(GSV.TVU) – Việt Nam có hơn 100.000 du học sinh đang học tập ở các nước, nằm trong top 10 quốc gia có số lượng lớn nhất sinh viên du học trên thế giới. Trung bình mỗi năm, người Việt chi gần 3 tỷ USD để được hưởng nền giáo dục quốc tế.

Theo số liệu thống kê của UNESCO năm 2012, trên thế giới cứ 100 sinh viên đại học thì có hai người đi du học nước ngoài. Con số này thay đổi ở từng quốc gia tùy vào nhiều yếu tố về kinh tế và xã hội. Thực tế, ngay cả những nước có nền giáo dục rất phát triển cũng có số lượng lớn sinh viên đi học ở nước ngoài. Hãy lấy ví dụ nước Đức với hầu hết các trường học miễn phí cho sinh viên, kể cả sinh viên quốc tế. Mỗi năm Đức có gần 200.000 sinh viên các nước đến học, nhưng đồng thời, cũng có hơn 120.000 sinh viên Đức tự bỏ tiền túi du học nước ngoài thay vì ở nhà thụ hưởng giáo dục miễn phí. Tương tự, mỗi năm có hơn 60.000 sinh viên Mỹ theo học đại học nước ngoài, trong khi con số này với Anh và Australia là 23.000 và 12.000. Đức và Mỹ là những quốc gia nằm trong Top 10 cả về số lượng sinh viên nước ngoài đến học và số lượng sinh viên quốc nội du học nước ngoài.

Các nước châu Á có sự gia tăng đáng kể về số lượng sinh viên đi du học, dẫn đầu là Trung Quốc với khoảng 700.000 du học sinh bậc đại học, Ấn Độ với 200.000, Hàn Quốc 124.000. Gần hơn với chúng ta, Malaysia cũng có tương tự số lượng sinh viên du học như Việt Nam mỗi năm. Điều này cũng giúp cho nhiều quốc gia với chính sách xuất khẩu giáo dục nổi lên nhanh chóng tại châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore.

Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của các nền kinh tế ở châu Á cũng góp phần không nhỏ vào xu hướng dịch chuyển điểm đến du học của sinh viên các nước phương Tây. Chính phủ Australia cam kết tài trợ hơn 100 triệu AUD trong “Chương trình Colombo Mới” dành cho sinh viên nước này tham gia những khóa học ngắn và dài hạn tại các nước trong khu vực Indo Thái Bình Dương – nơi Australia có quan hệ mật thiết trên nhiều lĩnh vực. Điều này nhằm trang bị cho công dân Australia những kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng thiết lập quan hệ với những quốc gia láng giềng, góp phần mang lại lợi ích cho Australia trong tương lai.

Tôi cho rằng Việt Nam cũng không nên đi ngược lại xu hướng giáo dục của quốc tế. Ngay cả khi giáo dục nước nhà có tốt hơn lên nhiều nữa, tôi vẫn khuyến khích các bạn đi du học nếu có thể. Các nhà đầu tư giáo dục nước ngoài tại Việt Nam có lẽ cũng không cần quá lo lắng trước số lượng học sinh ra nước ngoài học tập, nếu so sánh với hơn 20 triệu dân số vàng đang trong độ tuổi đến trường tại Việt Nam. Sức hấp dẫn của môi trường giáo dục và xã hội sẽ thể hiện qua việc chúng ta thu hút được bao nhiêu sinh viên nước khác đến Việt Nam học tập. Tình hình cũng không đến nỗi quá bi đát khi chúng ta cũng có khoảng 4.000 sinh viên quốc tế đang theo học đại học.

Câu nói “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” của người Việt có lẽ vẫn còn nguyên giá trị giáo dục trong thời đại ngày nay. Việc cân đo về số tiền hơn 3 tỷ USD chảy ra nước ngoài của du học sinh Việt Nam mỗi năm thật ra không phải là điều nên lo ngại. Bởi nếu bị cuốn theo con số đó, ta có thể sẽ quên tìm hiểu xem bao nhiêu tỷ USD được tạo ra mỗi năm bởi những người được thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến. Ấy là chưa kể những giá trị cộng thêm khác về văn hóa, trải nghiệm mà những du học sinh được tiếp cận từ những quốc gia mà họ đã sống và học tập trong thời gian dài.

Một cá nhân được trui rèn trong nhiều điều kiện sống và học tập khác nhau, cũng như biết thích nghi với những thay đổi hoặc khác biệt trong môi trường xung quanh sẽ dễ dàng đạt được thành tựu trong sự nghiệp và cuộc sống. Một quốc gia biết khuyến khích công dân của mình tiếp cận giáo dục trong nhiều môi trường đa dạng sẽ là tiền đề cho sự thịnh vượng và hạnh phúc trong tương lai.

Huỳnh Thị Ngọc Hân

Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/3-ty-usd-nhieu-hay-it-3327564.html

Bài trướcCông dân toàn cầu
Bài tiếp theoTrò chuyện cùng chàng sinh viên vừa nhận học bổng Ươm mầm xanh tri thức kỳ 31

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây