(GSV.TVU) – Nhiều năm qua, trong các hoạt động xã hội của mình, tôi đã làm việc trực tiếp với hàng chục nghìn sinh viên quốc tế đến từ hơn 100 quốc gia và nhận thấy không riêng gì Việt Nam mà phần lớn du học sinh các nước luôn canh cánh trong lòng câu hỏi nên ở hay về nước sau khi tốt nghiệp?

Đôi ba năm du học thực tế cho thấy chỉ hơn ‘cưỡi ngựa xem hoa’ một chút, ít bạn trẻ có được cơ hội làm thêm đúng chuyên môn của mình trong quá trình đi học. Thế nên, theo tôi nếu không có gì ràng buộc và được pháp luật nước sở tại cho phép, các bạn nên nắm bắt cơ hội ở lại nước ngoài làm việc để có thêm kinh nghiệm. Du học không chỉ để tiếp cận một nền giáo dục tốt hơn mà còn là cơ hội để trải nghiệm một môi trường văn hóa, lối sống khác và làm giàu thêm vốn sống của bản thân mình. Cuộc cạnh tranh tìm việc làm ở nước ngoài rất khốc liệt, người bản xứ cố gắng một thì du học sinh phải cố gắng gấp hai, ba. Thạc sĩ, tiến sĩ đi hái cà chua hay bưng bê ở nhà hàng có thể là chuyện lạ ở nước mình nhưng không phải hiếm ở nơi đây. Nhưng tôi nhấn mạnh rằng, không việc gì các bạn phải ‘mất mặt’, không có nghề nào là thấp kém cũng chẳng có nghề nào là cao sang, ai cũng cần phải kiếm ra tiền để trang trải cho cuộc sống của mình, miễn là không làm gì phạm pháp.

Ngược lại, không phải du học sinh về nước là không có đất dụng võ. Nhiều người thành đạt trong nước tôi biết cũng từng là du học sinh. Họ đã nắm bắt được cơ hội để phát triển sự nghiệp ở quê hương và vận dụng thành công những kỹ năng đã học được ở nước ngoài. Thêm nữa, so với mặt bằng chung về trình độ dân trí trong nước, nhiều du học sinh dễ dàng có được công việc mơ ước và nếu chứng tỏ được năng lực của mình thì việc đạt được vị trí cao trong công việc không quá khó khăn. Họ lại được sống gần người thân của mình – điều mà những ai từng sống một mình nơi đất khách quê người mới thấm thía nỗi cô đơn và mong nhớ ấy mà không phải lúc nào cũng có được cơ hội về thăm.

Một số người tỏ ra quan ngại về việc ‘chảy máu chất xám’ khi thấy du học sinh định cư ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp. Còn với tôi điều đó lại là một tín hiệu cho thấy khả năng làm việc và thích nghi của thanh niên Việt Nam đáp ứng được yêu cầu trong môi trường làm việc quốc tế. Thêm vào đó, trong quá trình sống và làm việc ở nước ngoài, họ đang được đào tạo về chuyên môn, tích lũy kỹ năng và cả kinh nghiệm sống – tất cả những điều này sẽ giúp họ có thể tạo ra những giá trị có ích cho xã hội.

Không cần nhìn đâu xa, thử hỏi xem bao nhiêu người đang làm việc ở Hà Nội hay TP HCM là người sinh ra tại nơi đó hay là từ vùng khác đến lập nghiệp? Và ai dám nói là những giá trị mà họ tạo ra không có ích gì cho quê hương? Hoặc ta hãy thử nhìn xem trong nhà của mình có bao nhiêu thứ được tạo ra bởi những người đồng hương của mình hay là chúng ta đang thụ hưởng những phát minh của những người bạn nước khác.

Khi mới sang Australia, tôi được biết đến dự án gọi là ‘Công dân toàn cầu’ do một nhóm thanh niên địa phương tổ chức. Họ hầu hết là học sinh phổ thông, một số ít đang học tại các trường đại học hoặc đã đi làm, nhưng tất cả đều còn rất trẻ.

Nhóm chỉ họp mặt 2 giờ vào sáng Chủ nhật, thảo luận những vấn đề như cách xử lý rác thải của thành phố, bữa cơm từ thiện cho những người vô gia cư, tình hình đói nghèo của trẻ em châu Phi, biến đổi khí hậu… Có bạn xung phong sẽ viết thư cho các nghị viên của quận đề nghị lắp thêm một số thùng màu vàng dành cho rác có thể tái chế được. Có bạn đưa ra ý tưởng sẽ đến xin các lò bánh mì, tiệm rau quả ủng hộ bữa cơm từ thiện. Có bạn đề xuất cả nhóm hẹn gặp vị Đại biểu Quốc hội để yêu cầu cam kết ủng hộ khoản viện trợ cho các nước nghèo đói ở Châu Phi trong năm tiếp theo…

Những bạn trẻ này đã cho tôi ấn tượng về sự tự tin, tinh thần trách nhiệm và những cam kết cho cộng đồng. Tư duy ‘công dân toàn cầu’ đã cho họ cách nhìn thế giới một cách đầy trách nhiệm và mở ra cánh cửa tương lai vô cùng rộng lớn trước mắt, nơi trái đất là mái nhà chung của tất cả và trách nhiệm công dân của họ vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia mình. Ở Australia có rất nhiều những nhóm tương tự như vậy và họ đã tạo ra thay đổi tích cực cho xã hội.

Khi liên hệ những “công dân toàn cầu” với trường hợp những du học sinh, tôi thấy nỗi niềm về – ở của du học sinh lại trở nên nhẹ nhàng. Nên chăng chúng ta hãy học theo những bạn trẻ ở Australia, xem mình là những ‘công dân toàn cầu’, đừng để biên giới của một quốc gia, làng xã giới hạn tư duy, sự sáng tạo, trải nghiệm và trưởng thành của mình. “Chảy máu chất xám” nếu xét ở tầm vĩ mô thì chảy đi đâu cũng là phụng sự nhân loại, và con người sống ở đâu cũng không quan trọng bằng việc họ sống như thế nào, họ có hạnh phúc hay không trong cuộc đời hữu hạn của mình.

Huỳnh Thị Ngọc Hân

Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/cong-dan-toan-cau-3032051.html

Bài trướcHội thảo tư vấn học tập và làm việc tại Nhật Bản
Bài tiếp theo3 tỷ USD – nhiều hay ít?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây