Nhan đề: Hồi ký Sơn Nam

Tác giả: Nam Sơn

Nhà xuất bản: Trẻ                                      Năm xuất bản: 2015.

Số trang: 544 tr.                                Khổ: 14 x 20 cm.

 

NỘI DUNG

Gần 60 năm cầm bút, trải qua bao thăng trầm vất vả, ông đã có một số lượng tác phẩm thật đồ sộ: gần 300 truyện ngắn, hàng chục tập sách biên khảo về người và đất Nam Bộ. Ông thật xứng đáng với danh hiệu cao quý mà bạn đọc xa gần phong tặng “Nhà Nam Bộ học”. 75 năm cuộc đời đã trôi qua trên tấm thân gầy yếu, khắc khổ của ông. Những lận đận, long đong dường như chưa dừng. Con người có tư cách, như ông tự nhận, dường như không muốn nói láo. Ở tuổi 75, ông vẫn chưa dứt được những lo toan, trăn trở, chưa được hưởng nhàn (theo nghĩa thông dụng) dù chỉ một ngày.

Ở tuổi 75, ông ngồi ghi lại những chặng đường đã trải qua, từ khi sinh ra đến tuổi lão. Những vui buồn ngày ấy giờ được kể lại với giọng điệu rề rà của một người trò chuyện, tuy lớp lang thang thi thoảng cũng có những liên tưởng bất ngờ, đầy thú vị và hấp dẫn: “Lớn lên, càng già tôi càng hiểu rằng những ấn tượng đầu tiên khi mình còn bé vừa tiếp xúc với cuộc đời cứ theo thời gian mà khắc càng sâu trong tâm thức, không tài nào diễn tả được, khi ẩn khi hiện. Cũng như khi vào trường làng ở vùng này, tôi học chung với vài cậu bé Việt lai Hoa, Hoa lai Khơme. Học trò không mấy đứa có khai sinh, tên nghe ngộ nghĩnh như thằng Tứng, thằng Khưng, thằng Xa Đơn. Lắm đứa ở trần mặc quần cụt vào lớp, thỉnh thoảng lén ra ngoài sân rồi trở về nhà. Thầy giáo đành chịu vậy, gắt gỏng quá thì lớp học khó tìm được mươi học trò, chưa nói đến mùa mưa, làm ruộng, vài đứa giúp cha mẹ trong việc đồng áng, hoặc lên cơn sốt rét. Thầy giáo do làng hoặc tổng tuyển chọn, ăn lương khoán. Ngành giáo dục tỉnh thỉnh thoảng gởi đến vài xấp tư liệu, kiểu giáo án, khá tươm tất như là nội san định kỳ, gọi Sư phạm học khóa. Vì vậy, tuy có ít nhiều sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư từ Hà Nội gởi vào, nhưng trường ở xa xôi vẫn dạy theo tư liệu riêng, không sát theo chương trình nhưng gợi cảm hơn. Thí dụ như bài học thuộc lòng:

Đêm khuya, nhà vắng, tớ đang sầu,

Lũ ếch sao bây dám bảo nhau

Kêu khắp bốn phương nhà tớ à?

Học trò đọc lên, lúc được thầy giáo gọi “trả bài” lấy làm thích thú, dễ nhớ, như quen thuộc với môi trường vùng đồng không mông quạnh. Lũ trẻ chắc cũng hiểu đại khái nội dung nên cười tủm tỉm; thầy giáo vừa rời quê xứ, đến khu Tứ giác này để dạy học với đồng lương vô nghĩa cũng có đôi chút chạnh lòng nhớ ruộng, vườn, bờ cỏ hoang vắng, từ thuở ông bà. Kỷ niệm thời thơ ấu bất diệt, mặc dầu đã lớn tuổi…”

Từ U Minh đến Cần Thơ là tập đầu trong bộ hồi ký không dày lắm của ông. Hồi ký của một người thường, không quan quyền, không danh phận, không cả bà con thân thuộc giữa đất Sài Gòn hơn nửa chục triệu dân này (như lời ông nói) quả cũng là chuyện chẳng để giỡn chơi, đáng để đọc và có chút gì để học.

Hồi ký Sơn Nam là tổng hợp từ 4 tập hồi ký “Từ U Minh đến Cần Thơ; Ở Chiến Khu 9; 20 năm giữa lòng đô thị; Bình An” đã được xuất bản từ năm 2000 đến năm 2005. Lần xuất bản này, Nhà xuất bản Trẻ còn giới thiệu thêm 2 bài viết của chính nhà văn để làm rõ thêm về 2 giai đoạn quan trọng trong cuộc đời ông đó là “Đến với Cách mạng trong thập kỷ 40” và “Trở về trong vòng tay Cách mạng ở thập kỷ 70 của thế kỷ XX”.

 

Thư viện xin trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc!

 

Bài trướcĐi tìm hạnh phúc
Bài tiếp theoNiềm đam mê của Nguyễn Bảo Châu trở thành hiện thực

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây