Cậu ấy là người duy nhất trong trường biết tên của mọi thành viên trong ban bảo vệ trường. Cậu tắt đèn trong phòng sau giờ tan học, luôn cảm ơn nhân viên giám sát hành lang mỗi sáng và dọn dẹp rác do những người bạn của mình xả ra, ngay cả khi không ai thấy hành động đó của cậu…

Cựu giám đốc tuyển sinh của Đại học Dartmouth (Mỹ) – một trong 8 trường đại học thuộc khối Ivy League danh giá – bà Rebecca Sabky đã chia sẻ về bức thư giới thiệu hiếm hoi trong hơn 15 năm đọc 30.000 hồ sơ từ sự nghiệp tuyển sinh của bà.

Từ hành động ân cần nho nhỏ…

Khi tôi tới các trường Trung học phổ thông để cung cấp thông tin tuyển sinh, tôi thường bị học sinh quây kín. Thông thường, ngay khi bài giảng của tôi kết thúc, họ chạy đến để đưa cho tôi bản lý lịch của họ, tìm cách giành sự chú ý của tôi, để họ có thể cho tôi biết về kết quả thực tập hoặc các chương trình khoa học mùa hè mà các em đã tham gia.

Nhưng mùa xuân năm ngoái, sau khi tôi nói chuyện tại một trường công lập ở New Jersey, tôi đã bắt gặp một cậu học sinh hoàn toàn khác.

Khi tiếng chuông reo lên, tôi cất những giấy tờ còn sót lại vào túi và bắt đầu chuẩn bị di chuyển qua hành lang của trường vào thời gian nghỉ ăn trưa của học sinh.

Chỉ khi tôi đến bãi đậu xe, ai đó đã vỗ nhẹ vào vai tôi.

“Xin lỗi, thưa cô” – một học sinh mỉm cười, khoe ra bộ niềng răng. “Cô đã để quên một thanh bánh yến mạch nhỏ trên bàn trong quán ăn. Cháu chạy theo cô xuống đây, vì cháu nghĩ cô cần đồ ăn vặt này. “Trước khi tôi kịp nói cảm ơn, cậu ấy đưa tôi thanh bánh và chạy luôn vào đám đông học sinh giờ nghỉ giải lao.

Đến bức thư giới thiệu của bác bảo vệ

Làm việc tại phòng tuyển sinh trường Đại học Dartmouth, tôi đã gặp gỡ với nhiều bạn trẻ tài năng. Tôi từng là giám đốc Tuyển sinh Quốc tế và giờ đang làm việc bán thời gian sau khi sinh con. Hàng năm tôi sẽ phải đọc hơn 2.000 đơn xin học đại học từ các học sinh trên khắp thế giới. Các em luôn luôn ham học hỏi và có và tài năng. Các em leo núi, tham gia các câu lạc bộ ngoại khóa và phát triển các công nghệ mới. Các em sẽ là những nhà lãnh đạo thế hệ mới trong tương lai. Thành tích của các em cứ tiếp nối nhau một cách nhanh chóng.

Vấn đề là trong hàng trăm các ứng cử viên đầy hứa hẹn đó, khó có thể nào phân biệt được các học sinh khác biệt, ít nhất là trên giấy tờ. Rất khó để chọn ai để chấp nhận. Tuy nhiên, ngoài sự hỗn loạn của điểm SAT, thành tích hoạt động ngoại khóa và các lời giới thiệu hay ho, một phẩm chất luôn luôn được đề cao, không thể thiếu đối với một ứng cử viên đó là sự tử tế. Tử tế là một đặc điểm khó có thể xác định được trên hồ sơ, ngay cả khi các trường đại học đã đặt câu hỏi đúng. Nhưng mặc dù vậy thì sự tử tế rất luôn có cách tỏa sáng.

Dấu hiệu đáng ngạc nhiên nhất của sự tử tế mà tôi đã từng trải qua trong sự nghiệp tuyển sinh của tôi là từ một học sinh một trường công lập lớn ở New England. Cậu trông rất thông minh, cậu đã chứng minh điều ấy bằng điểm số học tập và sự khen ngợi của giáo viên. Cậu nhận được lời giới thiệu vô cùng có lợi từ cố vấn tuyển sinh của trường và một danh sách hoạt động ngoại khóa ấn tượng. Tuy vậy, ngay cả khi sở hữu những yếu tố này, có thể cậu cũng chẳng nổi bật hơn ai. Nhưng có một bức thư giới thiệu trong bộ hồ sơ đã thu hút tôi – bức thư của nhân viên bảo vệ trường.

Các thư giới thiệu thường không bắt buộc, được viết bởi những người mà thí sinh cho rằng sẽ gây ấn tượng với một trường đại học nhất định. Chúng tôi thường xuyên nhận được thư giới thiệu của cựu tổng thống, người nổi tiếng, người thân và những vận động viên Olympic. Nhưng họ thường không cung cấp cho chúng tôi một góc độ khác về việc học sinh đó là người thế nào, hoặc em đó có thể trở một thành viên của trường chúng tôi hay không.

Bức thư này thì khác.

Người bảo vệ trường đã viết rằng ông đã bị thôi thúc phải hỗ trợ cậu học sinh này vì sự quan tâm ân cần của cậu ta. Cậu ấy là người duy nhất trong trường biết tên của mọi thành viên trong ban bảo vệ trường. Cậu tắt đèn trong phòng sau giờ tan học, luôn cảm ơn nhân viên giám sát hành lang mỗi sáng và dọn dẹp rác do những người bạn của mình xả ra, ngay cả khi không ai thấy hành động đó của cậu. Người bảo vệ viết rằng, cậu học sinh luôn thể hiện sự tôn trọng với mọi người ở trường, bất kể họ ở vị trí nào, từ người lao công tới người quyền lực.

Hơn 15 năm qua và 30.000 đơn xin nhập học trong sự nghiệp tuyển sinh của tôi, tôi chưa bao giờ thấy một lời giới thiệu từ một người bảo vệ trường học. Nó cho chúng ta thấy một góc nhìn mới vào cuộc sống của học sinh, trong những khoảnh khắc mà không có gì “đếm được”. Học sinh đó đã ủy ban tuyển sinh nhất trí chấp nhận.

Có rất nhiều ứng viên tài năng và chỉ tiêu thì rất ít. Chúng tôi biết sự thật này đau lòng như thế nào với các em học sinh. Khi một người bị trường học chối, với tư cách là giám đốc tuyển sinh, tôi hiểu cảm giác ấy khi phải nói những từ “chúng tôi rất tiếc phải thông báo cho bạn…” là như thế nào.

Cho đến khi hội đồng tuyển sinh tìm ra cách để nhận ra những phẩm chất cá nhân chính xác nhưng vô hình của người nộp đơn, chúng ta phải dựa vào những điều nhỏ bé để tạo ra sự khác biệt. Đôi khi một địa chỉ email không thích hợp nói lên nhiều điều hơn là một bài luận cá nhân. Cách học sinh đối xử với cha mẹ mình trong chuyến đi tham quan trường có thể có ý nghĩa nhiều hơn là một điểm kiểm tra chuẩn.Và, tôi đã học được từ người bảo vệ đó, việc đánh giá chân thành từ một người bất kỳ nào đó sẽ có ý nghĩa nhiều hơn bất kỳ đề xuất nào từ cựu tổng thống hoặc người chơi golf nổi tiếng.

Năm tới có thể có một loạt các thư giới thiệu từ những người bảo vệ từ sau bài viết này. Nhưng nếu điều đó nó có ý nghĩa khiến học sinh sẽ bắt đầu chú ý nhiều đến những người dọn dẹp lớp học của các em như các em làm với hiệu trưởng và giáo viên của mình, thì tôi rất vui khi được bắt đầu nhận thư giới thiệu theo xu hướng đó.

Các trường đại học nên nuôi dưỡng thúc đẩy sự phát triển của những cá nhân đầy tiềm năng không chỉ có tố chất lãnh đạo hay nghiên cứu, mà còn ở những hành động rộng lượng. Kể từ khi trở thành một bà mẹ, tôi cũng đã xem xét các hồ sơ theo hướng khác đi. Tôi cũng tò mò muốn đoán xem là tình hình tuyển sinh đại học sẽ như thế nào với con trai tôi sau 17 năm nữa.

Dù cậu bé có quyết định đi học đại học hay không, thì tôi vẫn muốn cậu bé giống với một người đủ ân cần để trả lại thanh bánh yến mạch, hay đủ tử tế để tôn trọng mọi người trong cộng đồng của mình.

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/su-tu-te-chia-khoa-thanh-cong-cua-mot-nhan-cach-dep-20170412111436349.htmtrai-tim-1491970277162

Bài trướcVăn nghệ chào mừng 11 năm ngày thành lập ĐH Trà Vinh
Bài tiếp theoĐại hội Cựu sinh viên Khoa Hoá học Ứng dụng lần thứ nhất

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây