(TVU) – Năm ngoái, VHI đã giới thiệu một người bạn đồng hành, ông Vũ Ngọc Côn, Tiến sĩ Kỹ thuật xây dựng vừa về hưu từ một sự nghiệp lâu dài tại Mỹ về làm việc chuyên khoa Kỹ thuật và Công nghệ tại Đại học Trà Vinh.

Vu_Ngoc_Con_original_TVU
Tiến sĩ Vũ Ngọc Côn với sinh viên khoa Kỹ thuật công nghệ (ĐH Trà Vinh)

Sau một năm “bắt tay vào nghề mới”, Tiến sĩ Vũ Ngọc Côn đã để lại nhiều tình cảm sâu sắc với tập thể giảng viên và sinh viên ĐH Trà Vinh. Với những tâm huyết của mình, đầu xuân Bính thân, Tiến sĩ Vũ Ngọc Côn đã gửi lá thư đến Ban Giám hiệu và sinh viên Trường với hy vọng Đại học Trà Vinh luôn phát triển và thành công cùng những lời bộc bạch:

Tại sao tôi chọn dạy tại Đại học Trà Vinh –Thư của TS. Vũ Ngọc Côn         


“Từ năm 2013, tôi nghỉ hưu bên Mỹ và đã về Việt Nam khoảng sáu tháng mỗi năm, vừa nghỉ hưu vừa giảng dạy trong ngành xây dựng. Tôi muốn truyền đạt kiến thức tôi đã học và thu thập được, những kinh nghiệm tôi có sau nhiều năm làm việc trong ngành xây dựng bên Mỹ, đến các kỹ sư và các em sinh viên ở quê nhà. Tôi cũng hy vọng sau này khi ra trường, các em có thể sử dụng được một phần nào các kinh nghiệm tôi đã góp nhặt và chia sẻ.

Trong thư này, tôi muốn ghi lại một số kinh nghiệm, cảm nghĩ và kỷ niệm sau mấy lần về Trà Vinh giảng dạy và làm việc.

Vì đã xa xứ từ năm 1968 nên thời gian đầu về Viêt Nam, tôi khá vất vả trong việc chuẩn bị giáo án để giảng dạy bằng tiếng Việt. Việc tìm hiểu các từ chuyên môn để sử dụng cho đúng trong các bài giảng cũng khá mất thì giờ. Lúc đầu, khi đọc các bài viết bằng tiếng Việt trong sách giáo khoa về chuyên ngành xây dựng, tôi có cảm tưởng như đọc một ngoại ngữ xa lạ. Và vì thế, công việc khó khăn nhất của tôi mỗi khi chuẩn bị bài giảng trong lớp là soạn bài và giảng dạy bằng tiếng Việt. Để giúp sinh viên trau dồi tiếng Anh, bắt đầu từ năm 2016 tôi sẽ soạn bài giảng bằng tiếng Anh tuy vẫn giảng bằng tiếng Việt.

Ước vọng của tôi là truyền đạt cho các em sinh viên những kinh nghiệm tôi đã tích lũy sau nhiều năm sống và làm việc bên Mỹ. Để thực hiện mục đích này, tôi đã quyết định trình bày xen kẽ trong các bài giảng , khi phù hợp, những kinh nghiệm về quá trình xây dựng công trình, về cách ứng xử, giao tiếp với đồng nghiệp và khách hàng, cũng như những kinh nghiệm trau dồi chuyên môn qua các công trình khác nhau. Thêm vào đó, để hỗ trợ các đề tài giảng dạy, tôi cũng cố gắng đưa ra những ví dụ cụ thể trong ngành xây dựng. Tôi để ra khá nhiều thời giờ để chọn lọc những ví dụ và hình ảnh về các công trình xây cất ở bên Mỹ. Nói chung, tôi nhận thấy các em rất muốn nghe để học hỏi về các công trình này. Việc bổ sung giảng dạy bằng những ví dụ có hình ảnh đã giúp các em hiểu bài giảng dễ dàng hơn. Tôi cũng hy vọng những hình ảnh về các công trình xây dựng sẽ giúp các em nhớ dễ dàng hơn những điểm quan trọng tôi muốn gửi gắm, dặn dò đến các em.

Nhiều bạn bè đã thắc mắc hỏi tại sao lại tôi về Trà Vinh, miền đất xa xôi, hẻo lánh và còn nhiều khó khăn, để dạy học. Thật ra khi về Việt Nam năm 2013, tôi đã có ý định đi tham quan một số trường để tìm một nơi thật thích hợp cho việc giảng dạy về ngành xây dựng. Tuy thế, trước khi đến thăm Trà Vinh, ngoài những buổi thuyết trình chuyên đề tôi đã thực hiện và vài cuộc gặp gỡ trao đổi với một số giảng viên ở các trường đại học tại Sài Gòn, tôi vẫn chưa có dịp thăm viếng và tìm hiểu sâu sắc các trường ở những tỉnh khác như dự định.

Nhận lời khuyến khích và giới thiệu của bạn bè thuộc tổ chức the Vietnamese Heritage Institute (VHI), tôi đã đến thăm Đại học Trà Vinh.

Tôi không thể nào quên được tấm chân tình và sự cởi mở của Ban Giám hiệu và của các thầy cô trong mấy ngày đầu tôi đến thăm Đại học Trà Vinh. Những hôm ấy, tôi đã rất bồi hồi xúc động vì luôn được đón nhận như một người thân trở về với gia đình, làng xóm sau 45 năm lưu lạc tha hương. Và vì thế, tôi đã quyết định chọn Đại học Trà Vinh là nơi để tôi về giảng dạy mà không cần tìm hiểu về các trường khác nữa. Thêm vào đó, đối với tôi, bất kỳ nơi nào trên đất nước cũng là chỗ tôi có thể đóng góp phần nhỏ của mình để giúp các em sinh viên. Nhất là các em sinh viên từ những gia đình nghèo, thiếu thốn nhiều phương tiện như các em ở Trà Vinh và những tỉnh lân cận. Tôi luôn cảm thấy mình như được thôi thúc phải giúp đỡ những em hiếu học nhưng có hoàn cảnh khó khăn. Chính những em này đã là động lực khiến tôi luôn cố gắng tìm tòi những phương cách hữu hiệu hơn để giúp các em.

Ở các lớp đã dạy, tôi nhận thấy có một số em cố gắng rất nhiều, chăm chú theo dõi và luôn ghi chép bài giảng cẩn thận. Các em này thường trả lời đúng những câu hỏi tôi đặt ra trong lớp. Các em tìm tôi sau giờ học để hỏi thêm về kinh nghiệm của thầy ở bên Mỹ. Các em là lý do để tôi về Việt Nam, về Trà Vinh. Tôi tự ví mình như một người đi gieo hạt giống, thầm lặng ước mong rằng trong các hạt rải xuống thế nào cũng có hạt trở thành những cây tốt, luôn đơm hoa trái tươi đẹp. Kỳ vọng của người gieo hạt là mai này các em sẽ là những kỹ sư xây dựng thật giỏi, hết lòng với nghề nghiệp, luôn giữ được phẩm chất đạo đức và trên hết là có tấm lòng thương người.

Điều cảm động nhất là ở đây, có rất nhiều sinh viên vẫn giữ truyền thống kính trọng thầy cô. Cách cư xử của các em đối với tôi làm tôi luôn cảm thấy thân thiện và gần gũi các em. Những cử chỉ tế nhị và sự biểu lộ tình cảm chân thật của các em đã làm tôi xúc động. Tôi nhớ trong một buổi giảng dạy, tôi bị đổ mồ hôi khá nhiều, lau chùi ướt đẫm hết khăn tay (xin ghi chú là ở đây nhiều lớp học không có máy lạnh). Có em đã để ý và đi tìm khăn giấy để thầy dùng đỡ. Có những lần tôi sắp sửa lau bảng thì các em ngăn lại và dành lau giúp thầy. Nhiều lần, các em giúp thầy cuộn và hạ màn chiếu dương bản. Khi biết thầy còn bỡ ngỡ với đường phố ở Trà Vinh, vào cuối học kỳ của lớp, một số em đã tình nguyện chở thầy đi loanh quanh xem các nơi bằng xe gắn máy. Một số em góp tiền mời thầy đi ăn cơm bình dân, các em còn bày tỏ mong thầy thông cảm vì các em không đủ tiền để mời thầy đến một nhà hàng sang hơn. Các em có biết không, chiều hôm đó, sau khi chia tay các em, trên đường về nhà khách của trường, thầy đã không cầm được nước mắt.

Các em đã để lại trong tôi những tình cảm không thể nào quên. Các em ơi! Trà Vinh ơi!  Vùng đất quê hương này đã đón nhận tôi, đón nhận một kẻ xa xứ trở về với tất cả tấm chân tình và lòng ưu ái. Tôi chỉ ao ước sức khỏe sẽ cho phép mình còn giúp được các em trong nhiều năm tới.”

Trích trong Bản tin  VHI 2015

Bài trướcVĩnh Long: Tư vấn mùa thi “Để có một mùa thi tốt”
Bài tiếp theoCảm nhận đầu xuân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây