Ngày nay, trong quá trình đất nước ta bước vào thời kì hội nhập và quá trình giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ thì chúng ta không chỉ quan tâm đến việc phát triển kinh tế- xã hội mà còn hết sức cần thiết việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Trong những sản phẩm văn hóa của con người Việt Nam thì âm nhạc dân gian là một trong những sản phẩm quý giá và hết sức đặc sắc của các dân tộc.

mam-trau-cau

Mâm Trầu Cau của dân tộc Khmer Nam Bộ

Trên vùng đất Tây Nam Bộ mênh mông trù phú với những con người chất phác thật thà, những dân tộc anh em Kinh, Khmer, Hoa, Chăm bao đời nay đoàn kết, gắn bó cùng tương trợ nhau sinh sống cùng phát triển và từ lâu những con người nơi đây đã xem âm nhạc là một món quà tinh thần không thể thiếu trong những ngày tháng lao động gian nan, vất vả. Đó là những cung bậc ngân nga, dịu êm và tiếng hát ngọt ngào của thể loại đờn ca tài tử, đó là những âm vang của dàn nhạc ngũ âm hay những điệu múa uyển chuyển, mềm mại và duyên dáng của các chàng trai cô gái Khmer trong những điệu múa rôbăm, dù kê…

Và thật tuyệt vời, khi tất cả những điều đó đã được Khoa Ngôn ngữ- Văn hóa- Nghệ thuật Khmer Nam Bộ tái hiện trong chương trình diễn đàn văn nghệ dân gian các dân tộc Tây Nam Bộ lần I năm 2016 với chủ đề “ Nghệ nhân dân gian – chân dung và giá trị”. Chỉ trong một đêm văn nghệ, đã mang lại cho khán giả những tiết mục hết sức đặc sắc, được biểu diễn một cách chuyên nghiệp của những nghệ nhân và các bạn sinh viên Khoa Ngôn ngữ- Văn hóa- Nghệ thuật Khmer Nam Bộ. Tất cả đã tái hiện sinh động cuộc sống lao động vất vả của những người nông dân miền Tây Nam Bộ, những câu chuyện kể về cuộc sống và những giá trị nhân văn được đúc kết qua những tiết mục múa dù kê, những khát khao về cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc, tình yêu quê hương đất nước và tình cảm lứa đôi được thể hiện qua những tiết mục đờn ca tài tử hay những ca khúc dân ca Khmer. Không những thế, chúng tôi còn được nghe những lời chia sẻ thân tình, những lời động viên, kêu gọi các thế hệ trẻ cùng nhau nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của các cô chú nghệ nhân, nghệ sĩ.

Tôi hết sức tâm đắc và yêu thích những thể loại âm nhạc dân gian của các dân tộc, đặc biệt là những dân tộc vùng đất Tây Nam Bộ yêu thương mà tôi đang sinh sống. Và đêm văn nghệ đã làm cho tình yêu đó lại càng cháy bỏng hơn, tôi yêu lắm những làn điệu dân ca, những điệu múa dân gian bao đời nay các dân tộc luôn giữ gìn.Tôi thật sự ngưỡng mộ những nghệ nhân, những người đang giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, những gì mà họ có được và trình diễn trước mắt mọi người là cả một quá trình luyện tập khó khăn, gian khổ và đằng sau đó chắc hẳn là một tấm lòng yêu quê hương, đất nước, dân tộc mình sâu sắc. Đó là báu vật, là những giá trị quý giá mà chúng ta cần phải giữ gìn. Đó cũng là lí do mà tôi là một cô sinh viên dân tộc Kinh chọn ngành Văn hóa các Dân tộc Thiểu số Việt Nam với chuyên ngành văn hóa Khmer Nam Bộ làm hành trang tri thức cho cuộc đời mình. Sẽ không có gì bất ngờ nếu là người dân tộc Kinh lại học chuyên ngành văn hóa Khmer nếu bạn có đam mê. Tôi yêu thích những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Khmer và tôi luôn mong muốn được góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị đó vì thế trong quá trình học tập tôi  không ngừng tìm hiểu, học hỏi những kiến thức liên quan đến chuyên ngành của mình. Chương trình văn nghệ mà trường tổ chức đã cung cấp cho tôi và các bạn sinh viên nhiều điều hữu ích và những kiến thức cần thiết cho quá trình học tập. Thật may mắn khi tôi là sinh viên Trường Đại học Trà Vinh.

Kim Thoa

Bài trướcSinh viên “Rung chuông vàng” tìm hiểu Trường Đại học Trà Vinh
Bài tiếp theoTình nguyện viên MI nói về dinh dưỡng và An toàn thực phẩm với sinh viên Trường

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây