Nhan đề: 12 năm nô lệ.

Tác giả: Solomon Northup.        Người dịch: Dương Liên.

Nhà xuất bản: Thế giới             Năm xuất bản: 2015.

Số trang: 313 tr.                       Khổ: 14×20.5cm.

 

NỘI DUNG

Cuốn tiểu thuyết, hồi ký của Solomon Northup về những năm tháng nô lệ được phát hành năm 2015. Tác phẩm đã được chuyển thể thành phim điện ảnh và giành giải Oscar Phim xuất sắc.

12 năm nô lệ (12 years a slave) trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới nhờ bộ phim chuyển thể của đạo diễn Steve McQueen, nhưng ít ai biết câu chuyện đầy ắp tư liệu về thời kỳ đen tối của người da đen sống ở nước Mỹ từng bị lãng quên cả trăm năm.

12 năm nô lệ là câu chuyện có thật của Solomon Northup – một công dân tự do ở New York bị bắt cóc làm nô lệ vào năm 1841, và được giải cứu tại đồn điền trồng bông ở tiểu bang Louisiana năm 1853.

Ngay sau khi được tự do, Solomon Northup đã viết cuốn 12 năm nô lệ. Nhiều thông tin cho rằng cuốn sách trở thành sách bán chạy hồi đó với khoảng 30.000 bản in. Solomon Northup sau đó cũng tham gia và phát biểu tại phong trào bãi nô. Cái chết của Northup tới nay vẫn là một bí ẩn.

Theo thời gian, câu chuyện của Solomon Northup đi vào quên lãng. Cho tới năm 1968, giáo sư sử học Sue Eakin chuyên nghiên cứu lịch sử vùng Louisiana cùng với giáo sư Joseph Logsdon đã làm sống lại câu chuyện của Solomon Northup. Cuốn hồi ký được phát hành trở lại.

12 năm nô lệ được chính Solomon kể với sự chấp bút của David Wilson. Wilson nói về cuốn sách: “Chúng tôi tin chuyện kể về trải nghiệm của ông nơi nhánh sông Con Bò sẽ xây nên một bức tranh đúng đắn về chế độ nô lệ, trong hết thảy sáng tối của nó, như chế độ ấy thực đang tồn tại trên vùng đất. Tôn chỉ duy nhất của người biên tập là trao đi một câu chuyện đáng tin cậy về cuộc đời Solomon Northup”.

Mười hai năm không hẳn là quãng đường dài với một đời người tự do, nhưng là nghìn thu đối với phận số nô lệ. 12 năm nô lệ được kể theo trật tự tuyến tính thời gian. Những lời kể là của một người được ăn học, nhưng không cầu kỳ, hoa mỹ. Trái lại, chúng rất mộc mạc, đôi khi rông dài như cách kể truyền khẩu xưa nay của người bình dân. Câu chuyện mang vẻ đẹp bởi những xúc cảm chân thực.

Nhân vật chính Solomon Northup không chỉ thương thân mình mà còn day dứt trước phận tủi nhục, thê thảm của những người nô lệ. Ông không chỉ ngồi đó sụt sùi than khóc, mà đôi lần phản kháng; thậm chí nương tay với mạng sống của kẻ đang áp bức mình. Đoạn kết của câu chuyện, khi Solomon ngồi trên xe định vẫy tay từ giã bạn hữu nô lệ để trở về cuộc sống tự do, thì vó ngựa bất thình lình rẽ ngoặt sang hướng khác khiến mọi người khuất khỏi tầm mắt ông, để lại sự xúc động.

Northup không có ý định tạo nên một nhân vật anh hùng – người phá tung xiềng xích. Ông chỉ là một người tự giải phóng mình. Người đương thời đọc 12 năm nô lệ để hiểu hơn về một phần đã qua của nước Mỹ, về một người nô lệ đã nỗ lực để giải phóng bản thân. Từ đó độc giả cũng quý trọng cái công minh của một nô lệ đã nhìn ra những ông chủ tốt – ông chủ xấu và trên hết để thấy chế độ nô lệ phải qua đi, đã qua đi như một dấu chấm kết trong lịch sử.

Cuốn sách 12 năm nô lệ là một tài liệu cho các nhà nghiên cứu chế độ nô lệ ở Mỹ. Chủ tịch Hiệp hội các trường học quốc gia Mỹ – ông Thomas J.Gentzel – đã đề xuất đưa cuốn sách vào giảng dạy tại các trường trung học công trên toàn nước Mỹ. Ông nói: “Làm như vậy để học sinh thấy những hoàn cảnh bi kịch và thông điệp nhân văn của tác phẩm; điều đó rất quan trọng trong việc học và phản ánh thời kỳ nô lệ của đất nước chúng ta”.

Thư viện xin trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc!

Bài trướcĐông vì… tử tế
Bài tiếp theoTấm gương tiêu biểu năm 2016  về Công nghệ thông tin

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây