TVU – 03.6.2019 – 9 sinh viên giảng viên kỹ thuật đến từ Trường Đại học Vancouver Island (VIU) – Canada và 9 sinh viên Khoa Kỹ thuật và Công nghệ tại Trường Đại học Trà Vinh (TVU) đã hoàn thành chương trình giao lưu văn hóa – giáo dục (Field school) được tổ chức trong 3 tuần, từ ngày 13/5/2019 đến 02/6/2019.

Trong suốt chương trình, 18 bạn sinh viên hai bên đã được chia thành 3 nhóm làm việc, mỗi nhóm gồm 3 sinh viên VIU và 3 sinh viên TVU cùng hai tình nguyện viên hỗ trợ ngôn ngữ khi cần thiết và một giáo viên hỗ trợ. Các nhóm được bố trí ở cùng phòng với nhau để cùng trao đổi, học hỏi lẫn nhau về cả văn hóa lẫn học tập, mỗi sinh viên đều được trải nghiệm về giao tiếp ngôn ngữ cũng như văn hóa, học thuật từ người bạn quốc tế.

Tuần đầu tiên, các hoạt động dã ngoại, tham quan tìm hiểu văn hóa, con người

Các bạn sinh viên hai nước đã cùng nhau tham gia các hoạt động dã ngoại, tham quan tìm hiểu văn hóa và con người Việt Nam nói chung, Trà Vinh nói riêng với các hoạt động như “TVU tour”, “Tra Vinh tour” (thăm Ao Bà Om, Chùa Hang, Bảo tàng Văn hóa Khmer  và Chùa Âng), “Cồn Phụng tour”… Trong mỗi hoạt động, các nhóm được giao nhiệm vụ trực tiếp tìm hiểu, sau đó giới thiệu, chia sẻ lẫn nhau bằng ngôn ngữ Tiếng Anh. Qua đó,sinh viên hai bên được trau dồi kiến thức về văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam, tiếp thu bài học thực tế về giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc song song với bảo vệ môi trường, cũng như rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp.

Bên cạnh các hoạt động tham quan dã ngoại, các bạn sinh viên VIU và TVU còn cùng nhau chia sẻ, tìm hiểu các món ăn truyền thống Việt Nam như Bún nước lèo, Canh Chua, bánh Tét… và đặc sắc nhất là cuộc thi nấu ăn. Các bạn được cùng nhau đi chợ để trực tiếp trải nghiệm truyền thống buôn bán ở vùng nông thôn miền Nam Việt Nam. Sau đó, 3 nhóm thi nấu ăn với hai món khá nổi tiếng của Việt Nam là Chả giò và Gỏi cuốn, hai món đậm nét bình dị, chân chất như chính tính cách người Việt. Các bạn sinh viên, đặc biệt là sinh viên VIU tỏ ra rất hào hứng vì được tận tay vào bếp, thực hiện từng công đoạn từ tìm hiểu nguyên vật liệu, đi chợ mua sắm, chế biến và trang trí món ăn sao cho vừa ngon miệng lại vừa ngon mắt, sau đó thiết kế poster cũng được trang trí thủ công. Kết thúc hoạt động, mỗi nhóm  được tham gia đánh giá sản phẩm của các nhóm bạn để tiếp thu ưu điểm của nhóm khác cũng như rút kinh nghiệm những khiếm khuyết của nhóm mình.

Cũng trong tuần đầu tiên, ngoài việc các bạn được trau dồi, học tập lẫn nhau về nét đặc trưng văn hóa, con người Việt Nam thông các hoạt động tham quan, dã ngoại được thiết kế một cách tỉ mĩ và mang ý nghĩa giáo dục rõ ràng… Các bạn sinh viên Canada còn được tham gia lớp Tiếng Việt. Các bạn được chia thành từng cặp, mỗi sinh viên Canada được hỗ trợ trực tiếp từ một sinh viên Việt Nam. Hoạt động thực sự hào hứng và vui tươi bởi những khoảnh khắc phát âm ngộ nghĩnh bởi những cụm từ khó cùng với sự đa dạng của Tiếng Việt. Lớp học vừa vui lại vừa mang tính thực hành cao, bởi trong khi các bạn Canada toát mồ hôi với việc phát âm tiếng Việt thì các bạn Việt Nam cũng toát mồ hôi để dùng tiếng Anh giảng giải cho người bạn quốc tế.

Kết thúc buổi học, kết hợp với hoạt động thi nấu ăn, mỗi nhóm phải hoàn thành bài tập bằng cách thực hiện một đoạn đối thoại ngắn bằng tiếng Việt để mua rau quả, người hỗ trợ là sinh viên TVU, nhưng người thực hành Tiếng Việt lại là các bạn Canada. Sự hào hứng và hiệu quả vượt mong đợi khi các bạn sinh viên Canada vận dụng luôn vào thực tế mua sắm trong hai tuần còn lại của chương trình.

Tuần thứ hai, dự án Play Ground, thiết kế đồ chơi từ vật liệu tái chế

Tuần thứ hai của chương trình cũng là thời gian các bạn cùng làm việc nhóm để thực hiện một dự án vừa mang tính kỹ thuật vừa đóng góp cho cộng đồng, dự án “Play Ground” thiết kế đồ chơi từ vật liệu tái chế cho trường mầm non/tiểu học. Dự án được đầu tư thiết kế tỉ mĩ nhằm giúp sinh viên ứng dụng đúng đắn và đầy đủ cả qui trình thiết kế kỹ thuật gồm: khảo sát nhu cầu khách hàng; thiết kế kỹ thuật dựa trên các yếu tố tính ứng dụng, sự an toàn, sự sáng tạo và tính thẩm mỹ; thực hiện và lắp đặt, vận hành.

Trước khi bắt đầu dự án, tất cả sinh viên được giảng viên VIU và TVU cùng hướng dẫn trước về quy trình thiết kế, cách thức khảo sát nhu cầu và yêu cầu về sản phẩm. Tiếp đó, sinh viên đến trường Thực hành Sư phạm Trà Vinh để khảo sát địa điểm sử dụng và phỏng vấn tìm hiểu nhu cầu từ người sử dụng gồm Ban Giám hiệu nhà trường, giáo viên mầm non/tiểu học và đặc biệt phỏng vấn cả các em học sinh mầm non/tiểu học. Giai đoạn phỏng vấn bắt đầu khá hứng khởi với sự chào đón của các em học sinh dành cho sinh viên quốc tế. Cũng trong dịp này, các bạn sinh viên VIU cũng đã thể hiện tình yêu trẻ với thật nhiều món quà được chuẩn bị từ trước, đó là những cây viết chì, những quyển sổ tay nhỏ… mang biểu tượng chuột túi và lá phong, đặc trưng của Canada. Giai đoạn thiết kế và thực hiện được thực hiện trong hai ngày kế tiếp với việc lên ý tưởng, lập thuật toán tính chỉ số an toàn, hiệu quả, sáng tạo, thẩm mỹ… của từng ý tưởng, sau đó chọn lựa, thiết kế bảng vẽ, kê bảng vật tư, công cụ, mua sắm và thực hiện sản phẩm. Ngày thứ tư của dự án là lắp đặt, vận hành khá thú vị khi các đồ chơi vừa lắp đặt xong thì học sinh vào chơi thử một cách thích thú và hào hứng. Kết thúc dự án, các nhóm cũng phải thuyết trình về sản phẩm bằng tiếng Anh với sự tham gia chấm điểm từ các giảng viên hướng dẫn lẫn người sử dụng là giáo viên và học sinh của đơn vị sử dụng sản phẩm. Dự án được sinh viên lẫn giáo viên đơn vị sử dụng đánh giá về tính hiệu quả trong học thuật lẫn cộng đồng rất cao, bởi sinh viên được vận dụng một qui trình thiết kế kỹ thuật khép kín vào trong một dự án thực tế. Đống thời, dự án cũng mang đến cho cộng đồng những sản phẩm từ vật liệu tái chế, góp phần giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh và phụ huynh.

Theo Cô Phạm Thị Trúc Mai, Phó Hiệu trưởng trường Thực hành Sư phạm Trà Vinh, nói: “Tôi thật sự bất ngờ với một dự án mang nhiều ý nghĩa đến thế. Các bạn sinh viên học được kiến thức, kỹ năng thiết kế kèm kỹ năng giao tiếp. Các em thiếu nhi thì nhận được các trò chơi mới và được giao lưu cùng anh chị sinh viên trong, ngoài nước. Sản phẩm được lắp đặt đảm bảo tính an toàn, đặc biệt là sự sáng tạo từ các vật dụng tái chế… Chúng như mang làn gió mới cho sân chơi trong trường lại vừa gián tiếp dạy cho các em ý thức bảo vệ môi trường.”

Cũng trong tuần này, các bạn sinh viên còn tham gia dạy tiếng Anh cho các em học sinh trường Tiểu học An Phú Tân B, xã Tân Quy, huyện Cầu Kè, Trà Vinh. Các em được dạy cách gọi tên các loại trái cây xung quanh quê nhà, các con vật, các đồ dùng… và được chơi trò chơi cũng như hát múa những bài hát tiếng Anh, tiếng Việt vui nhộn. Sự tươi trẻ của các bạn sinh viên đã giúp không khí buổi học trở nên vui vẻ và thân thiện, từ đó các em học sinh được gieo vào lòng một niềm say mê đặc biệt về học tập ngoại ngữ.

Tuần cuối, dự án Thiết kế, sử chữa, tư vấn Điện cho các hộ dân nghèo và khó khăn

Tuần cuối của chương trình với dự án mang nặng tính kỹ thuật nhất, đó là Thiết kế, sửa chữa, thay thế thiết bị điện miễn phí cho 10 hộ nghèo xã Đại Phúc, Càng Long. Dự án cũng được các giảng viên tổ chức theo hướng tạo điều kiện cho sinh viên hai bên thực hiện đầy đủ một quy trình kỹ thuật, tương tự dự án Play Ground, với sự hỗ trợ của sinh viên năm cuối ngành điện thuộc khoa Kỹ thuật và Công nghệ.

Ngày đầu tiên, mỗi nhóm sinh viên được giao trách nhiệm khảo sát thực trạng thiết kế của ngôi nhà và cách sử dụng điện. Ngày tiếp theo, dựa trên khảo sát, các nhóm sẽ thiết kế bảng vẽ bố trí đường đây, thiết bị điện cho từng hộ kèm bảng kê vật tư, thiết bị cụ thể với một phần kinh phí hỗ trợ từ nhà trường. Sau khi mua sắm, sinh viên làm việc nhóm để chuẩn bị kế hoạch phân công công việc cho ngày cuối cùng là lắp đặt. Ngày cuối cùng đã diễn ra vô cùng khẩn trương với mục tiêu tiến độ mỗi nhóm hoàn thành 3-4 hộ trong một ngày làm việc. Đến 18:45 thì 10 hộ nghèo hoàn toàn được thiết kế, lắp đặt hệ thống điện đảm bảo tính an toàn, thẩm mỹ kèm các thiết bị mang tính tiết kiệm như đèn Led, ổ điện chống giật, công tắc tự động… Kèm theo dự án, một sự kiện nhân văn ngoài kế hoạch đã diễn ra. Khi ghi nhận được hoàn cảnh hộ ông Phạm Thanh Hải có con gái bị ung thư máu, gia đình hoàn cảnh khó khăn cùng cực, nên các giáo viên cùng sinh viên hai bên đã gom góp lẫn nhau số tiền 2.500.000 đồng để giúp đỡ gia đình.

Sau khi tham gia dự án, sinh viên VIU và TVU đã tiếp thu được các kiến thức an toàn điện, rèn luyện kỹ năng thiết kế và lắp đặt các thiết bị điện, bên cạnh đó cũng rèn luyện kỹ năng giao tiếp khi tư vấn cách thức sử dụng điện cho người dân.

Trong ngày cuối cùng của chương trình, các nhóm sinh viên thực hiện báo cáo những điều đã học thông qua 3 tuần trải nghiệm, tất cả đều được trình bày bằng tiếng Anh. Tham dự buổi báo cáo, PGS. TS Phạm Tiết Khanh, hiệu trưởng trường Đại học Trà Vinh, nói: “Thông qua chương trình, bên cạnh sinh viên hai bên được trau dồi kiến thức, kỹ năng và ý thức chuyên ngành kỹ thuật, ngoài ra còn nâng cao kỹ năng kỹ năng ngôn ngữ một cách rõ rệt, sinh viên Việt Nam thì nâng cao trình độ tiếng Anh, còn sinh viên VIU thì nâng cao trình độ tiếng Việt cũng như am hiểu về văn hóa và con người Việt Nam hơn. Đây chính là mục tiêu to lớn nhất mà cả hai trường đã đặt ra lúc ban đầu.”

Chương trình giao lưu văn hóa, học thuật khép lại với đêm chia tay với chương trình văn nghệ do chính sinh viên hai bên kết hợp dàn dựng. Các tiết mục nhạc truyền thống, hiện đại Việt Nam đan xen Canada cho đến khép lại bằng những lời nhắn nhủ được ghi lại vào “trái tim giấy” của nhau.

Bạn Morris Michael Paul, sinh viên năm nhất VIU, phát biểu: “Các đây một năm, tôi và Nik khi nhận được thông tin về chuyến giao lưu văn hóa, chúng tôi đã rất hào hứng cùng nhau tưởng tượng ra những hoạt động và quan cảnh đất nước Việt Nam. Chúng tôi quyết định tham gia và chờ đợi từng ngày. Hôm nay, thật nhanh, tôi đã phải nói lời chia tay. Thật sự, mọi thứ diễn ra tuyệt vời hơn cả tưởng tượng của chúng tôi. Chúng tôi muốn gửi lời đến tất cả những người tổ chức. Tất nhiên, tôi cảm ơn những người bạn TVU vô cùng, thời gian qua các bạn đã đóng rất nhiều vai trò, khi là cộng sự, lúc là hướng dẫn viên, buổi sáng thì là chiếc đồng hồ báo thức, và khi ra chợ thì lại là những phiên dịch vui tính. Chúng tôi thật sự cảm ơn chương trình, cảm ơn tất cả mọi người. Hẹn gặp lại tất cả. Chắc chắn, tôi sẽ quay lại vào một ngày gần đây nhất.”

Bạn Nguyễn Thị Thùy Trang, sinh viên năm nhất TVU, nói thêm: “Ngoài những kiến thức, kỹ năng chuyên ngành được trau dồi một cách thực tế. Các em còn có thêm những tình cảm bè bạn thật tuyệt vời với các bạn sinh viên VIU. Sau chương trình, tuy không nói, nhưng mỗi sinh viên TVU chúng em đều ý thức được việc học tiếng Anh để tăng khả năng giao tiếp với bè bạn quốc tế. Và cũng có thể, chúng em có thể đủ điều kiện để du lịch Canada và gặp lại những người bạn VIU đáng mến.”

Chương trình khép lại sau ba tuần hoạt động sôi nổi, các bạn sinh viên đã phải chia tay nhau. Các sinh viên TVU tiễn những bạn VIU của mình đến tận sân bay. Đâu đó có những giọt nước mắt dấu sau những cái bắt tay thật chặt, những cái níu tay vội để kịp trao nhau món quà mang hình quốc kỳ Việt Nam và Canada. Tình bạn của các bạn là minh chứng rõ ràng cho một chương trình giao lưu văn hóa, giáo dục thành công trên mong đợi.

Dương Ngọc Vân Khanh

Bài trướcBệnh viện ĐH Trà Vinh khai trương phòng khám Nhi khoa dưới sự hỗ trợ của bệnh viện Nhi đồng thành phố
Bài tiếp theoVòng Chung kết trao giải cuộc thi “Sinh viên Thanh lịch – Mister & Miss TVU năm 2019”

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây