Theo thông tin từ Trung tâm Hỗ trợ phát triển dạy và Học, Khoa Nông nghiệp – Thủy sản vừa tổ chức buổi Báo cáo kết quả thực tập học phần Co-op lần thứ I cho 18 sinh viên đại học ngành Kỹ thuật cây trồng khóa 2017 (DA17KCT).


1. TS. Lê Trúc Linh, Trưởng Bộ môn Trồng trọt và Phát triển Nông thôn
(thứ 2 từ trái sang) cùng các Thầy, Cô trong buổi báo cáo

Phát biểu tại buổi báo cáo, TS. Lê Trúc Linh, Trưởng Bộ môn Trồng trọt và Phát triển Nông thôn chúc mừng các em sinh viên đã hoàn thành tốt chuyến thực tập. Thông qua buổi báo cáo, lãnh đạo Bộ môn mong muốn lắng nghe tình hình thực tập cũng như bày tỏ sự sẵn sàng ghi nhận những ý kiến đề xuất của các em để hỗ trợ kịp thời cho các em trong quá trình nghiên cứu, học tập tại Trường trong thời gian tới.

Đây là chuyến thực tập Co-op đầu tiên của sinh viên lớp DA17KCT, thời gian thực tập là 3 tháng. Các mảng công việc các sinh viên được giao phụ trách trong đợt thực tập này là: chuẩn bị đất, giá thể, gieo giống, chăm sóc và thu hoạch hoa, màu; tư vấn và bán các loại giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật… tại các hợp tác xã, trang trại, vườn ươm, hiệu buôn …ở các tỉnh: Kiên Giang, Lâm Đồng và Trà Vinh.

Tại buổi báo cáo, các sinh viên trình bày nội dung công việc được thực hiện, những thuận lợi, khó khăn và đưa ra những đề xuất hết sức xác thực. Trong chuyến đi thực tập Co-op lần này, sinh viên được làm việc như một nhân viên chính thức của doanh nghiệp, được hưởng lương và các khoản hỗ trợ khác. Sinh viên có cơ hội vận dụng những kiến thức đã học tại trường vào những công việc thực tế, giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, sinh viên có điều kiện để rèn luyện các kỹ năng “mềm” cần thiết hỗ trợ cho công việc chuyên môn. Cùng với đó, từ việc tiếp xúc và thực hiện các nhiệm vụ được giao tại đơn vị thực tập, sinh viên hình dung rõ hơn về ngành học mà mình đang theo học. Điều này giúp sinh viên định hướng tốt hơn về nghề nghiệp của bản thân trong tương lai, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, tự tin hơn trong việc diễn đạt suy nghĩ, ý tưởng cũng như trình bày nguyện vọng và định hướng sắp tới của bản thân.


2. Sinh viên thuyết trình tại buổi báo cáo

Em Phạm Mỹ Siêm và nhóm bạn thực tập tại Vườn ươm BF Đà Lạt nhận định: Chuyến thực tập Co-op giúp chúng em trưởng thành hơn rất nhiều. Mặc dù thực tập ở xa, nhưng chúng em được làm việc đúng với chuyên môn mình yêu thích, được mọi người yêu mến, quan tâm và hướng dẫn nhiệt tình. Từ đó, chúng em bớt nhớ nhà, tập trung làm việc cũng như dễ dàng tiếp thu kiến thức và tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong công việc.

Em Lâm Thị Trúc Ly chia sẻ: Khi tham gia chương trình Co-op, em cảm thấy tự tin và có định hướng tốt hơn về nghề nghiệp của mình. Gia đình em rất ủng hộ em tham gia chương trình này.

Trong nhiều năm qua, mô hình đào tạo Co-op đã được triển khai thực hiện và phát triển tại Trường Đại học Trà Vinh. Đó cũng là hướng đi tất yếu của các trường đại học hiện nay. Khi tham gia chương trình này, sinh viên sẽ có cơ hội trải nghiệm công việc thực tế tại doanh nghiệp với thời lượng 1/3 thời lượng của chương trình đào tạo. Qua đó giúp sinh viên có nhiều kinh nghiệm làm việc trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, được học tập và tiếp cận với những thành tựu khoa học kỹ thuật tiến bộ, từ đó, nâng cao cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Điệp Như – Đăng Khoa

Bài trướcKhởi động cuộc thi robocon vì môi trường xanh
Bài tiếp theoCâu chuyện về Khởi nghiệp không vốn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây