(GSV.TVU) – Nếu trước đây phải mất thời gian khá lâu để gửi và nhận thư tay, thì với sự phát triển, tiến bộ của xã hội hiện đại bây giờ việc gửi, nhận thông tin được thế bằng một cái click chuột hoặc một cái chạm enter. Xã hội ngày càng phát triển gắn liền với sự bùng nổ công nghệ thông tin, game online cũng như các trang mạng xã hội khác. Giới trẻ là lớp người tiếp thu rất nhanh những cái mới và tiến bộ ấy, không phủ nhận về những tiện ích, thuận lợi của các phương tiện thông tin hiện đại, nhưng bên cạnh đó nó cũng là con dao hai lưỡi, cũng là một phần không nhỏ của nguyên nhân khiến cho lối sống “ảo” ở giới trẻ trở nên phổ biến.

Trước đây chúng ta quen với sự có mặt của Yahoo, Blog, Skype, Zalo,… thì kể từ khi có sự xuất hiện của Facebook tạo ra cơn sốt mạnh mẽ trong giới trẻ. Hiện nay, bước chân ra đường ai cũng dùng Facebook, từ học sinh, sinh viên, những người đi làm, cho đến những bà nội trợ. Từ trẻ con, người trẻ cho đến những người lớn tuổi hầu như ai cũng đều dùng Facebook. Họ dùng Facebook với nhiều mục đích khác nhau, có người dùng để cập nhật tin tức thời sự, có người dùng để làm phương tiện dễ dàng liên lạc với người thân, bạn bè, phục vụ công việc, học tập… Tuy nhiên, đại bộ phận giới trẻ ngoài những mục đích trên lại chìm đắm trong thế giới ảo của riêng mình.

like

(Ảnh sưu tầm)

“Sống ảo” là gì? Sống ảo là một cách sống không thực tế, hoang tưởng, mơ hồ, không tồn tại trong cuộc sống. Với Facebook nút “like” là một trong những tính năng giúp người dùng bày tỏ thái độ, cảm xúc của mình đối với mỗi cập nhật  trạng thái của bạn bè. chính vì quá tiện ích nên mới phát sinh cơn nghiện cuồng like trong giới trẻ. Có những dòng status chỉ đơn giản là “chúc ngủ ngon”, “ hôm nay lại được về nhà”, “tối ấm mọi người nhé”… thế mà đã thu hút cả trăm lượt like. Rồi chẳng thể hiểu nổi nhiều lượt like cho tấm ảnh với trạng thái người dùng nhìn xanh xao, tiều tụy hay đăng tải các ảnh đang ốm, nằm viện. Nhưng lại không một dòng comment hỏi thăm bạn bè. Thậm  chí còn dùng cả nút like với mục đích họ cho là cao cả như làm từ thiện: giúp đỡ trẻ em nghèo, người khuyết tật, bệnh nhân ung thư, người cơ nhỡ… Bất kể vấn đề gì cũng có thể mang ra để “câu” like.

Bệnh chụp ảnh “tự sướng” (selfie) đã từ lâu trở thành trào lưu trong giới trẻ, nhất là đối với các cô nàng. Các ứng dụng Photoshop, Camera 360 hỗ trợ người dùng chỉnh sửa ảnh tất tần tật từ khuôn mặt, làn da, đến vóc dáng khiến nhiều người tự tin khoe hình ảnh của mình trên mạng xã hội, nhưng đôi khi sự thật bên ngoài lại không lung linh, hoàn hảo được như trong ảnh. Kéo theo sau đó là những câu chuyện giở khóc giở cười, có nhiều cặp đôi tán tỉnh, trao cho nhau những lời lãng mạn, có cánh qua mạng xã hội, để rồi khi gặp nhau thực tế ngoài đời lại hoàn toàn vỡ mộng, hốt hoảng với cô nàng không xinh xắn, chân dài, cầm V-line như trong ảnh, anh chàng cũng chẳng lịch lãm, cao ráo, soái ca như avatar đại diện. Tôi thường cảm thấy phiền khi đi ăn chung với đám bạn nữ thân thiết của mình, thay vì mua thức ăn xong là đã có thể cho vào miệng, xơi ngon lành để vừa lòng cái bao tử đang đói réo lên như nồi nước xôi, thì lại phải chóng tay lên cầm ngồi chờ nhỏ bạn chụp ảnh, selfie với món ăn này nọ, rồi cả chờ nó đăng tải hình ảnh thành tích vừa chụp được lên Facebook, Zalo mới được xơi vào miệng. Nói chung là các cô nàng có thể chụp ảnh ở mọi lúc, mọi nơi, bất kể là vấn đề gì cũng bấm máy cho nó vào khung camera và đăng tải khoe với bạn bè.

Cũng không ít trường hợp chết tức tưởi chỉ vì mãi mê tự sướng để đăng lên trang mạng xã hội câu like mà bất chấp nguy hiểm như: “một thiếu nữ 18 tuổi người Roumani đi cùng bạn đến nhà ga để chụp một bức ảnh độc đáo đăng Facebook. Cô gái xinh đẹp đã bị chết thảm do vướng vào dây điện cao thế và bị dòng điện 27.000 vôn chạy qua người khi đang cố gắng tạo dáng chụp ảnh tự sướng trên nóc của đoàn tàu.” “Một cô gái trẻ tên là Chezka Agas, 18 tuổi bị nhấn chìm bởi một ngọn sóng lớn trong khi tạo dáng chụp ảnh tự sướng trước cối xay gió Bangui nổi tiếng trên một bãi biển ở Barangay Masikil (philippines).

Với cơn lốc mạng xã hội việc chứng tỏ mình trên mạng cũng là một thú vui tao nhã của một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay. Tất cả những cảm  xúc, hoạt động, diễn biến, địa điểm cho đến trạng thái buồn, vui, phẫn nộ, tức giận đều được phơi bày công khai trên các trang mạng xã hội. Cũng không ít bạn trẻ lợi dụng mạng xã hội để khoe mẽ, tự đánh bóng bản thân, từ những tấm hình khoe thân gợi cảm, táo bạo, cho đến những dòng status khoe khoang sự giàu có, ăn chơi xa đọa, đi du lịch, ăn uống không đúng với sự thật.

Games cũng có sức hút lớn với giới trẻ hiện nay, nhất là các bạn nam rất dễ bị lôi cuốn vào những trò chơi bạo lực, chơi game trên mạng xuất phát là mục đích giải trí, thư giản đầu óc, nhưng chính vì có những bạn lạm dụng games khiến  giới trẻ trở nên khờ khạo và lãng phí thời gian, tiền bạc rất nhiều. Với công việc làm thêm là nhân viên phòng Net tôi có cơ hội chứng kiến có rất nhiều thanh niên ăn ngủ suốt mấy ngày ở phòng Net chỉ để chinh phục danh hiệu người hùng của một trò chơi đang theo đuổi. Không ít game thủ kiệt sức trầm trọng và nhập viện vì bỏ ăn, quên ngủ, trước đây báo chí, thời sự không  ít lần đưa tin các tệ nạn xã hội về trộm cắp để có tiền chơi game. Hành vi bạo lực gia đình diễn ra với cảnh tượng con đánh mẹ, giết mẹ chỉ vì để có tiền chơi game.

anh internet

(Ảnh sưu tầm)

Sống ảo mang theo nhiều hậu quả là khiến con người trở nên thụ động. Họ làm biếng giao tiếp, sống dối gạt nhau bằng những hình ảnh không thật. Trở nên vô cảm với nhiều vấn đề diễn ra quanh mình, thờ ơ với thực tại. Lúc trước khi công nghệ chưa tiên tiến, mạng xã hội chưa nuốt trọn thời gian như bây giờ của giới trẻ thì những đứa trẻ có tuổi ấu thơ vui tươi hơn, lành mạnh hơn, không là những trò game lãng phí thời gian, không là những dòng tán tỉnh, suy nghĩ đi xa lứa tuổi. Thay vì tay bắt mặt mừng của đám bạn lâu ngày không gặp, thay vì tiếng nói chuyện, chia sẻ cho nhau mỗi lúc gia đình đoàn tụ, thì nay là thinh lặng ngồi gần nhau, mỗi người một chiếc Smartphone trên tay, người thì lướt Face, người thì chat,… mà thiếu đi sự thể hiện tình cảm gia đình.

Sống ảo chẳng mang đến những điều thành công, những lợi lộc gì mà còn khiến bạn mất đi thời gian một cách vô ích, thậm chí là cả tiền bạc, những mối quan hệ xã hội tốt đẹp ở cuộc sống thực tại, tôi không phủ nhận rằng những lợi ích thuận tiện mà mạng xã hội, công nghệ thông tin mang lại, nhưng sự lạm dụng thái quá sẽ giết dần mòn tuổi trẻ của bạn. Hãy sống thực tế hiện tại một cách hiện đại mà giới trẻ đáng làm, đáng sống. Hạn chế thời gian ngồi hàng giờ để đi dạo trên các trang xã hội, trong thế giới ảo của riêng bạn để gặp gỡ bạn bè, người thân, duy trì các mối quan hệ, thể hiện sự quan tâm, thăm hỏi lẫn nhau, tạo niềm vui và sự gắn bó với nhau, học được nhiều kỹ năng sống.

 Chúc các bạn luôn thành công !

Nguyễn Thị Hồng Nhung

Lớp: Luật DA15LD

Bài trướcSự ra đời của bản Tuyên ngôn độc lập.
Bài tiếp theoNữ sinh 17 tuổi và giấc mơ lan tỏa sự tử tế

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây