(TVU) – Dự án Nông nghiệp Thông minh trong canh tác lúa do Trường Đại học Trà Vinh đảm nhiệm trên cơ sở ứng dụng công nghệ IoT để khuyến khích ứng dụng kỹ thuật ngập khô xen kẻ (Alternative Wetting and Drying – AWD), được triển khai tại Trà Vinh, Cần Thơ và An Giang

Dự án được bắt đầu từ tháng 12/2018 đến 12.2019, chia làm 4 giai đoạn, tại 3 tỉnh với sự tham gia thực nghiệm của hơn 150 nông hộ. Trực tiếp thực hiện dự án này là các giảng viên và sinh viên Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Trường Đại học Trà Vinh mang lại hiệu quả thiết thực trong canh tác lúa.

Mục tiêu của Dự án nhằm giúp giảm nước tưới và chi phí bơm tưới cũng như các chi phí khác trong quá trình canh tác lúa, giảm chi phí và tiết kiệm sức lao động, thay đổi nhận thức của nông hộ về AWD và giảm lượng khí phát thải từ canh tác nông nghiệp, cụ thể là từ việc canh tác lúa nước.

Tiến sĩ Nguyễn Thái Sơn, Trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Phó Trưởng ban Quản lý Dự án, cho biết: “Trong thời gian thực nghiệm vừa qua, dự án đã cho thấy một số kết quả khả quan khi giúp người dân tiết kiệm nước tưới tiêu từ 13-20% so với AWD thủ công, tiết kiệm chi phí bơm tưới từ 24-50 %, tùy vào đặc thù mặt đất canh tác và tiết kiệm công lao động của nông dân.

 

Đặc biệt, dự án không những giúp nông dân tiết kiệm nhiều mặt mà còn giúp năng suất cũng tăng từ 3-12%. Sau giai đoạn thực nghiệm, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến nghị các tiềm năng nhân rộng tại các địa điểm có điều kiện phù hợp.”

Quá trình thực hiện dự án ngoài sự tham gia của Giảng viên, còn có các bạn sinh viên trường Đại học Trà Vinh chuyên ngành Công nghệ Thông tin và Điện tử. Đây cũng chính là cơ hội giúp các bạn sinh viên ứng dụng kiến thức, kỹ năng chuyên môn vào môi trường thực tiễn. Từ đó, các bạn có thể thêm tự tin để từng bước tiến vào con đường nghiên cứu khoa học và chuyển giao các công trình ứng dụng giúp ích cho cộng đồng.

Bạn Nguyễn Khánh Duy, Sinh viên ngành Công nghệ Thông tin, thành viên dự án, nói: “Ưu điểm của hệ thống là khả năng tự động quan sát mực nước và cảnh báo khi mực nước vượt ngưỡng bơm tưới ở nhiều giống lúa khác nhau. Đồng thời, chỉ với chiếc điện thoại thông minh, người nông dân có thể theo dõi mực nước từng ngày, từng giai đoạn sinh trưởng của lúa và điều khiển máy bơm từ xa. Chúng em rất vui khi được tham gia một dự án giúp ích cho chính những người nông dân trên chính quê mình.”

Dương Ngọc Vân Khanh – TS. Nguyễn Thái Sơn

Bài trướcLãnh đạo Đoàn – Hội đối thoại cùng sinh viên
Bài tiếp theoĐại học Trà Vinh thăm và tặng quà bà mẹ Việt Nam Anh hùng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây