Ngày tết ở Nam Bộ, hầu như gia đình nào cũng có vài ba món bánh mứt, trước để cúng ông bà tổ tiên, sau để mời khách. Bánh tét là một trong những món ăn không thể nào thiếu được, một nét văn hóa độc đáo của người dân Nam Bộ. Hương vị bánh tét đã góp phần làm cho tết cổ truyền trở nên ấm áp hơn.

Cứ vào dịp tết, dù khó khăn vất vả đến đâu, nhiều gia đình Nam Bộ vẫn quây quần bên nhau để gói những đòn bánh tét. Ngày gói bánh, từ sáng sớm mọi người đã chia nhau công việc để làm, người khéo tay nhất lo xào nếp, làm nhân, người thì lau lá, cắt dây lạt, người thì chuẩn bị nồi nước to đùng để nấu bánh.  Mọi người vừa gói bánh vừa trò chuyện rôm rả.

Cũng giống như bánh chưng ở miền Bắc, miền Trung, nguyên liệu chính để gói bánh tét là những nguyên liệu đậm chất quê hương như: gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ heo,…Tuy nhiên, bánh tét được gói bằng lá chuối thay vì lá dong và hình dạng cũng khác so với bánh chưng, tròn dài thay vì vuông vức, mỗi đòn bánh tét thường dài chừng 20 – 30 cm.

Bánh tét có nhân ngọt hay mặn tùy theo ý thích của mỗi gia đình. Bánh tét ngọt thường nhân bằng chuối chín, phần nếp thường được trộn thêm đậu đen hoặc đậu đỏ để bánh thêm sắc màu, phần cho bánh thêm dẻo, thêm bùi.

Để có những đòn bánh tét thơm ngon, các gia đình ở Nam Bộ thường có khâu chuẩn bị khá chu đáo, tỉ mỉ. Gạo nếp ngon, không bị lẫn gạo tẻ đem vo sạch, để ráo nước. Đậu xanh đãi vỏ nấu nhuyễn. Dừa khô nạo nhỏ vắt lấy nước cốt. Lá dứa giã nhuyễn, lọc lấy nước trộn hòa vào nếp để lấy mùi thơm và màu xanh hoặc cho nguyên lá vào nấu sôi chung với nước cốt dừa lấy mùi thơm.

Sau đó, nếp đã ráo nước được cho vào xào săn chung với nước cốt dừa tạo vị béo và thơm. Thịt mỡ hoặc thịt ba chỉ cắt hình chữ nhật theo độ dài của bánh và ướp chút muối, chút đường trước khi làm nhân. Đậu xanh nấu nhuyễn vo làm nhân được nắn theo chiều dài của bánh tét.

Bánh gói xong đòn nào sẽ chuyền tay cho người canh giữ nồi nước để sắp xếp đều đặn thành từng cặp vào nồi nước đang sôi ùn ụt trên lửa đỏ. Khâu cuối cùng này rất quan trọng, nếu nước ít không ngập mặt bánh chín không đều, nếp sẽ nín coi như mẻ bánh hỏng và theo quan niệm dân gian thì năm mới nhà ấy lận đận, kém may mắn. Theo bí quyết từ xưa thì bánh sau khi nhấn từ nồi ra sẽ cho ngay vào thao nước lạnh để bánh nguội và xanh lá, tiếp đến ép cho bớt nước và treo ngay vào chỗ thoáng mát cho bánh dẽ lại, những đòn bánh ngon như thế sẽ để được cả tuần lễ bên ngoài mà không bị hỏng.

Trong ba ngày tết bánh tét trở thành món chủ lực thay cơm, chỉ cần đĩa dưa cải chua, củ kiệu, củ cải hay rau muống ngâm chua ngọt, vài khoanh bánh tét và dĩa thịt kho hột vịt đã thành bữa ăn ngon miệng. Hết ba ngày tết ngán vị nếp nấu dẻo ngậy, bà nội trợ sẽ chuyển sang món bánh tét chiên nóng giòn cũng hấp dẫn không kém.

Từ lâu, bánh tét đã trở thành một hương vị riêng của tết Nam Bộ, khi nhắc đến tết người ta lại nhắc đến một loại bánh đặc trưng là bánh tét, cũng giống như tết trung thu có bánh trung thu vậy! Nhiều người còn bảo bánh tét là do đọc trại từ “bánh Tết” mà ra với ý nghĩa là loại bánh làm trong dịp Tết để phục vụ cho việc cúng lễ và ăn tết. Tuy nhiên, hương vị của bánh tét không phải nơi nào cũng giống nhau mà phong phú vô cùng. Nếu bánh tét ở TP. HCM chỉ thuần túy làm bằng gạo nếp và đậu xanh thì xuống đến miền tây bánh tét trở nên đa sắc với bánh tét ngũ sắc, bánh tét lá dứa, bánh tét gấc; ra đảo Phú Quốc thì có bánh tét mật cật, người Cần Thơ lại có bánh tét lá cẩm. Một số nơi còn có món bánh tét nước tro, bánh tét thập cẩm,…Trà Vinh mình cũng có món bánh tét Trà Cuôn khá nổi tiếng.

Bánh tét trong ngày tết còn là món quà chúc tết đầy ý nghĩa. Khi tặng hai đòn cột thành một cặp, vừa đẹp, vừa hợp với tập quán vì năm mới phải đủ đôi, chẵn cặp, ý chúc cho vợ chồng hạnh phúc thịnh vượng.

Bánh tét không chỉ ngon, hấp dẫn mà nó đã dần trở thành một nét văn hóa độc đáo của người dân Nam Bộ. Ngày tết, được thưởng thức những khoanh bánh tét thơm ngon cùng gia đình mới thấy hết giá trị của không khí Tết cổ truyền của dân tộc. Màu xanh của lá, mùi thơm của nếp, của lá dứa, vị ngọt bùi của nhân đậu đã tạo nên một món bánh của ngày tết Nam bộ, một hương vị khó quên đối với mỗi người Nam Bộ chúng ta.

Lê Văn Lý

Bài trướcĐại học Trà Vinh môi trường học tập xanh
Bài tiếp theoNét đẹp Việt Nam qua cảm nhận của sinh viên Đại học Trà Vinh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây