(GSV.TVU) – Bằng những đam mê và tự định hướng cho bản thân, vượt qua những trở ngại của tâm lý để đi kinh doanh, Lê Thanh Hào, sinh viên Đại học Trà Vinh đã mạnh dạn thành lập một hệ thống bán lẻ bánh Dừa trải khắp 13 tỉnh Tây Nam Bộ.

IMG_20180622_163919

Sinh ra tại huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, từ nhỏ Lê Thanh Hào đã ấp ủ mơ ước trở thành một doanh nhân thành đạt. Ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, Hào đã có định hướng kinh doanh cho riêng mình.

Năm 2017, được truyền lửa từ một khóa học “Awake your power”, Hào bắt đầu ý tưởng của mình với việc bán bánh Dừa nướng – một đặc sản của Quảng Nam. Công việc đơn giản nhưng lại có ý nghĩa quan trọng.

Thanh Hào chia sẻ: “Đi bán hàng, quan trọng là bỏ được cái suy nghĩ rụt rè, sợ ngại, sợ khó vì chưa bao giờ bán hàng cho ai. Không bỏ được tính rụt rè ấy thì không có cách gì thành công được. Phải mạnh dạn, tự tin vào những gì mình có, phải thử mới có thể thấy khả năng mình tới đâu”. Với khả năng vốn có về marketting của mình, chỉ với công việc bán bánh Dừa nướng đã đem lại thu nhập 30 triệu mỗi tháng cho Thanh Hào.

Thành công trước mắt không khiến chàng sinh viên trẻ thỏa mãn và dừng lại. Một thời gian sau khi có kinh nghiệm bán hàng, Thanh Hào lại tiếp tục suy nghĩ: “Tại sao mình lại không phát triển thành lập một hệ thống bán bánh Dừa lớn? Công việc có thể cực nhọc hơn, rủi ro có thể lớn hơn, nhưng chỉ có cách đó mới có thể kinh doanh thành công”. Tiếp thị bánh Dừa nướng tuy đơn giản, nhưng chính sự đơn giản lại có ưu điểm là cần số vốn ít và nằm trong khả năng của mình.

Với hoài bão mở rộng thành hệ thống bán hàng, Thanh Hào lặn lội qua Bến Tre, Tiền Giang và các tỉnh khác để bỏ sỉ bánh Dừa, ưu tiên đầu tiên là các trạm dừng chân xe khách và những nơi đông người khác. Thanh Hào giải thích: “Tại các trạm dừng chân, khách thường mua bánh để ăn dọc đường cũng như làm quà cho trẻ. Vì thế đó là địa điểm thuận lợi để tiêu thụ bánh nhất. Các địa điểm đông người khác như chợ, quán nhậu, cây xăng cũng là nơi tốt, nhưng lượng tiêu thụ không nhiều bằng các trạm dừng chân”. Mặc dù bước đầu vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng Thanh Hào cũng đã tìm kiếm được hàng trăm địa điểm tiêu thụ sản phẩm trên khắp 13 tỉnh Tây Nam Bộ, thu nhập hàng tháng lên đến trên 80-90 triệu đồng sau khi trừ đi chi phí.

Bên cạnh những thuận lợi, Thanh Hào cho biết cũng gặp không ít khó khăn. Từ tìm kiếm khách hàng, đảm bảo nơi cung cấp nguồn hàng, thuê nhân viên, quản lý nguồn vốn… mọi thứ Thanh Hào đều phải mày mò tự học bằng sách vở và đúc kết, rút kinh nghiệm thực tế. Đôi khi gặp những khách hàng khó tính, bị từ chối, bị “đuổi cổ”, bị la mắng là chuyện bình thường. “Phải nhẫn nại với mọi khách hàng, dầu là những người khó tính nhất. Đã có trường hợp mình bị đuổi nhưng rồi chính người đuổi mình lại trở thành khách hàng lớn của mình”, Thanh Hào chia sẻ.

Vì thế đối với Thanh Hào, sự nhẫn nhịn, kiềm chế cũng là một điều rất quan trọng trong marketting. Thanh Hào rất tâm đắc với câu nói của TS. Lê Thẩm Dương: “Kiềm chế là sức mạnh, sức mạnh là kiềm chế. Khi người ta tát vào mặt mình phải luyện đến mức… không tát lại – sức mạnh bắt đầu xuất hiện. Người ta nhổ nước bọt vào mặt mình… kiềm chế, lau nước bọt – siêu sức mạnh. Người ta nhổ vào mặt mình… mặc kệ, không thèm lau – sức mạnh tuyệt đối”.

IMG_20180622_163853

Nhắm đến đối tượng khách hàng mua sỉ, Thanh Hào cho biết nhiều lúc phải thể hiện tiềm năng tiêu thụ của mặt hàng để thuyết phục khách hàng. Lúc này kỹ năng bán lẻ và kỹ năng giao tiếp lại phát huy hiệu quả. Hào cho biết: “Đôi khi, mình phải chạy ra bán lẻ bánh cho người ta nhìn thấy, rồi đưa tiền bán được cho họ luôn. Họ thấy rằng bánh Dừa này bán được thì mới đồng ý lấy hàng”.

Việc tiêu thụ sản phẩm là yếu tố quyết định cho các chiến lược sản phẩm, tuy nhiên đôi khi việc khách hàng bán bánh quá chạy lại nảy sinh ra vấn đề khác: Vấn đề cung cấp nguồn hàng. Thanh Hào luôn xác định, muốn có chỗ đứng trên thị trường thì phải giữ uy tín làm đầu, vì thế bằng bất cứ giá nào cũng phải đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa cho khách. Điều này cũng đặt ra thách thức không nhỏ vì thiếu nguồn lực và phương tiện.

Để từng bước phát triển công việc kinh doanh và hướng tới những mục tiêu lớn hơn, Thanh Hào và các bạn đang có dự định thành lập Công ty tư nhân riêng. Thiếu kiến thức về luật pháp lại trở thành một trở ngại, nhưng Hào cho biết sẽ tìm hiểu luật thật kỹ để vượt qua những thách thức đó.

IMG_20180622_163905

“Nếu có một ý tưởng hay, hãy cố gắng hiện thực hóa nó. Khó khăn thì khắc phục chứ không chùn bước”

Câu chuyện về hệ thống bán hàng bánh Dừa của Lê Thanh Hào tạo nên không chỉ là nghĩ khác mà chính là dám làm khác. Không còn theo lối mòn như đại đa số sinh viên là phải học Đại học rồi theo con đường mà cha mẹ định hướng, Thanh Hào đã biết tự vạch ra con đường của mình rồi thực hiện nó.

Nhật Duy – Hoàng Nam

Bài trướcKỹ thuật chăn nuôi gia cầm
Bài tiếp theoÁo xanh tình nguyện TVU tiếp sức mùa thi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây