(GSV-TVU) –“Tôi không dạy các em, tôi chỉ là người hướng dẫn!”, “Tôi không sửa bài cho các em, đây chỉ là gợi ý!”, “Tôi không chắc mình dịch hay hơn các em, nên chúng ta cần phải học hỏi lẫn nhau”,… đây chính là những câu nói khiêm tốn thường nhật khi lên lớp của một nhà giáo được mọi người biết đến như một tiến sĩ ngôn ngữ học, một nhà văn, một dịch giả nổi tiếng, một người có tầm nhìn, người mà bạn chỉ cần gõ tên trên Google sẽ có hơn 600.000 kết quả trong vòng 0,52 giây, hay nói một cách ngắn gọn hơn đó là thầy tôi.

 

Phó Trưởng Khoa Hồ Đắc Túc

Ts. Hồ Đắc Túc, Phó Trưởng Khoa Ngoại ngữ trao phần thưởng cho tân sinh viên đạt kết quả cao nhất đầu vào

Có lẽ một trong số những điều may mắn nhất trên giảng đường đại học của tôi là được gặp và theo học những lớp dịch thuật của thầy. Tôi còn nhớ như in vào học kì một của năm ba đại học, cả lớp tôi như rơi vào một thời kì ảm đạm kinh khủng khi chúng tôi biết được môn biên dịch của lớp mình sẽ do thầy phó trưởng khoa trực tiếp giảng dạy. Qua lời kể của những anh chị đi trước thì chúng tôi biết chắc rằng sắp tới sẽ là những ngày không mấy tươi đẹp, bởi lẽ ấn tượng của chúng tôi tại thời điểm này về Thầy là một tiến sĩ lạnh lùng, khó tính, có kiến thức cao siêu, có hàng chục năm kinh nghiệm. Còn chúng tôi chỉ là những sinh viên mới chập chững vào chuyên ngành, chưa từng được tiếp xúc nhiều với Thầy. Chúng tôi không biết là mình có lĩnh hội được những lời dạy của tiến sĩ hay không. Và tất cả những nỗi lo ấy gần như tan biến hoàn toàn vào ngày học đầu tiên với thầy. Thầy bước vào lớp với một nụ cười thân thiện, thầy không mang tới lớp bất kì cuốn sách biên dịch nào cho chúng tôi, thầy chỉ truyền đạt bằng những bài giảng mà Thầy đã chuẩn bị sẵn, Thầy cung cấp kiến thức và cho chúng tôi áp dụng kiến thức đó ngay trong buổi học. Tất cả những kiến thức Thầy dạy không quá cao siêu như chúng tôi tưởng tượng, mà là những điều vô cùng gần gũi và cần thiết cho công việc dịch thuật của chúng tôi sau này.

May mắn lại nối tiếp may mắn khi cả ba học phần biên dịch của chúng tôi đều do Thầy giảng dạy, học với Thầy có thể điểm số sẽ không cao, nhưng tôi dám chắc rằng chúng tôi đã lĩnh hội được rất nhiều kiến thức từ rất nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Thầy không chỉ truyền đạt kiến thức chuyên ngành, mà còn dạy cho chúng tôi rất nhiều về đạo đức dịch thuật. Thầy không chỉ là một tiến sĩ, là một giảng viên, mà với chúng tôi thầy còn là một người cha, người anh hay thậm chí là một người bạn. Thầy gần gũi, thân thiện đến mức chúng tôi có thể chia sẻ mọi điều khúc mắc, chúng tôi có thể tự tin trình bày tất cả suy nghĩ trong đầu mà không cần biết điều đó đúng hay sai. Khác hẳn với những giảng viên khác, Thầy luôn tạo không khí thoải mái, vui tươi trong lớp học để mang đến cho chúng tôi những khoảng thời gian vô cùng thú vị và bổ ích.

Ts-Hồ-Đắc-Túc

Giản dị, gần gũi và phong trần là ba tính từ mà tôi dành để nói về Thầy. Nhìn Thầy, có mấy ai biết được Thầy là tác giả của hàng loạt quyển sách, hàng loạt những tác phẩm dịch thuật. Nhắc đến sự giản dị của Thầy, phải kể đến đầu tiên là chiếc mũ lưỡi trai và chiếc balô màu đỏ đã ngả màu cũ kỹ. Có lẽ đó là hai vật có giá trị kỉ niệm rất lớn với thầy, thầy mang chúng đến khắp mọi nơi, chúng theo thầy từ giảng đường đến phố xá. Chúng tôi còn hay nói vui với nhau rằng, cứ thấy nón đỏ, balô đỏ là nhớ ngay đến Thầy. Không chỉ vậy, Thầy còn gần gũi trong lối sống và cách giao tiếp với mọi người. Có những giảng viên dạy đến mấy năm mà chỉ nhớ tên vài bạn trong lớp, riêng Thầy chỉ cần vài buổi học đã có thể nhớ và gọi đúng tên từng sinh viên trong lớp. Chỉ cần Thầy nhận ra sinh viên của mình, chẳng cần đợi sinh viên cúi đầu chào, Thầy đã chủ động gọi tên và chào hỏi. Chính nhờ sự gần gũi, thân thiện của Thầy mà chúng tôi biết được tâm hồn phong trần, lãng tử của ngài tiến sĩ. Thầy hay kể cho chúng tôi nghe về những chuyến đi, những cuộc phiêu lưu khám phá của Thầy, chúng tôi nhìn thấy trong ánh mắt của Thầy là niềm khát khao được du ngoạn, được chinh phục những điều mới mẻ. Vì vậy mà trong tâm trí của chúng tôi, Thầy luôn là “một tiến sĩ luôn có một tâm hồn thanh niên”.

Thời gian cứ thế mà vô tình lướt qua, và rồi hết lớp này đến lớp khác ra trường, “tiến sĩ trẻ” của chúng tôi vẫn tiếp tục chèo lái con đò đưa lữ khách sang sông. Chúng tôi cũng sắp đến ngày cập bến, sẽ chẳng còn những ngày đến lớp nghe Thầy giảng bài, được Thầy xoa đầu khi vấp phải sai lầm ngớ ngẩn, hay những cái vỗ vai khích lệ động viên. Bên kia cổng trường là hàng trăm hàng ngàn những khó khăn thử thách, nơi đó sẽ không còn có Thầy đứng nhìn và nhắc nhở, sẽ không có những nụ cười khen ngợi, hay những ám hiệu chỉ đường.  Nhưng chúng tôi tin là Thầy vẫn ở đó, vẫn ở mãi phía sau ủng hộ cho học trò của mình. Lại một mùa giáng sinh nữa lại về, tôi thầm chúc cho Thầy sẽ có thật nhiều sức khỏe, sẽ luôn vui tươi và sẽ mãi là “một tiến sĩ trẻ”.

(Bài cảm nhận của Lý Quyên, lớp ngôn ngữ Anh về Tiến sĩ Hồ Đắc Túc, phó trưởng khoa Ngoại Ngữ, trường Đại học Trà Vinh, ngày 24.12.2017)

Lý Uyên

 

 

Bài trướcNhững người con quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của miền Nam anh hùng
Bài tiếp theoDấu ấn phát triển CLB Truyền thông TVU

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây