Biển đảo, hai tiếng thiêng liêng mà mỗi khi nhắc đến trái tim của toàn thể người dân Việt Nam lại rạo rực với niềm tự hào sâu sắc nhất. Đó là món quà vô giá mà tạo hóa đã ban tặng cho nước ta với một đường bờ biển dài 3260km trải dài từ Bắc xuống Nam, chiếm tỉ lệ 100km đất liền/1km bờ biển và hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ cùng nguồn tài nguyên thủy sản đa dạng phong phú. Nhắc tới biển đảo quê hương là nhắc tới một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc, nơi có những con người đang ngày đêm canh giữ, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo nước nhà.

khaimac trienlam bien dao

Bác Hồ đã từng nói: “Ngày xưa ta có đêm, có rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển nước ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn và phát huy nó”.

Chắc hẳn sẽ có người người như tôi, chưa một lần đặt chân ra đảo nhưng lại nghĩ về biển đảo bằng một trái tim, một tình yêu mà khó có thể định nghĩa được. Tôi sinh ra và lớn lên tại một tỉnh nhỏ thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, được biết biển đảo tươi đẹp qua sách vở báo đài. Từ nhỏ, tôi luôn khao khát được một lần đặt chân ra đảo để biết thế nào là cuộc sống ở đảo, được tận mắt ngắm nhìn quê hương từ một gốc độ khác bằng niềm tự hào say mê trước vẻ đẹp của những bãi cát trắng  đến những vịnh đảo nên thơ… Nghĩ về biển đảo mà không nghĩ về những con người nơi đây thì thật là một điều thiếu sót. Là sinh viên, bản thân tôi luôn mang trong trái tim tình yêu biển đảo và lòng khâm phục tới những người lính đảo, những ngư dân Việt Nam cùng lực lượng kiểm ngư đang ngày đêm kiên cường bám biển với lòng yêu nước nhiệt thành… Và đâu đó là những cô cậu học trò đang ê a từng con chữ với khao khác thay đổi cuộc sống và làm giàu cho hòn đảo quê hương.

Lịch sử đã kể lại cho chúng ta nghe những khúc ca bi tráng về những con người đã không tiết máu xương, họ đã nằm xuống vì chủ quyền biển đảo, vì sự toàn vẹn của từng tấc đất thiêng liêng. Nhà thơ Nguyễn Việt Thiến đã có một bài thơ ca ngợi điều đó như sau:

” Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển

Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa

Ngàn năm trước con theo cha xuống biển

Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa

Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc

Các con nằm thao thức phía Trường Sơn

Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả

Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn”

Mặc dù chiến tranh tàn khốc đã lùi xa nhưng những mưu đồ độc chiếm, tranh giành lãnh thổ của các thế lực thù địch vẫn luôn còn sục sôi đâu đó, ngấm ngầm len lỏi và chỉ chực chờ “nổi bão”. Chính vì vậy mà có hàng trăm người lính đã tạm gác lại đời tư, xa mái nhà, xa ánh đèn thị thành đến với biển đảo – nơi đầu sóng ngọn gió làm nhiệm vụ giữ gìn và bảo vệ chủ quyền đất nước. Đã có người nói rằng người lính đảo là linh hồn của biển cả. Họ không màn sự thiếu thốn, hiểm nguy để ra với đảo, họ có thể rời xa gia đình trong một khoảng thời gian dài, gạc bỏ những thú vui đời thường của đất liền để gắn bó đời mình với đảo.

Dù mang trong lòng sự ngưỡng mộ và biết ơn nhưng như thế vẫn là chưa đủ, tôi vẫn luôn khao khát một lần đặt chân ra đảo và ước mơ đó cuối cùng cũng trở thành sự thật khi tôi được vinh dự tham gia vào chương trình “Sinh viên với biển đảo Tổ quốc” năm 2016 tổ chức tại đảo Cô Tô thuộc tỉnh Quảng Ninh từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 6 năm 2016. Chương trình diễn ra với rất nhiều hoạt động mang tính nhân văn và thiết thực như thăm tặng quà cho gia đình chính sách, gia đình các chiến sĩ đang công tác tại đảo, tặng cờ cho ngư dân, trồng cây xanh và các hoạt động giao lưu truyên truyền về biển đảo kết hợp rèn luyện kỹ năng cho sinh viên. Hiểu được những ý nghĩa to lớn mà biển đảo mang lại, tận mắt chứng kiến cuộc sống của con người nơi đây ắt hẳn chúng ta sẽ cảm thấy yêu quý và tự hào hơn về đất nước của mình. Hành lý tôi mang theo là tình yêu vô hạn với biển đảo, là những lời nhắn gởi của Sinh viên Trường tôi đến với ngư dân và anh lính biển. Tôi háo hức và hạnh phúc khi được tham gia vào các hoạt động và đem tình cảm của sinh viên trường Đại học Trà Vinh nói riêng, thanh niên tỉnh Trà Vinh nói chung đến với mảnh đất xanh của Tổ quốc. Những ngày có mặt trên đảo có những ngày thật ý nghĩa đối với chúng tôi, được đóng góp một ít công sức của mình vào việc phủ xanh biển đảo, mang lại niềm vui cho người dân trên đảo Cô Tô và hơn nữa là giao lưu học hỏi nhiều hơn, quen biết được nhiều bạn sinh viên có chung tình yêu đối với biển đảo.

Là sinh viên Việt Nam hôm nay, hơn ai hết chúng ta cần phải ý thức về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Trước hết, mỗi cá nhân phải tự trang bị cho mình đầy đủ kiến thức và hiểu biết về tình hình biển đảo để nhìn nhận một cách đúng đắn, ứng xử chính chắn trước những thông tin sai lệch, gây kích động của các thế lực thù địch đang âm mưu xâm chiếm chủ quyền nước ta. Nhận thức được vấn đề này, mỗi người hãy là một tuyên truyền viên đem những hiểu biết của mình tuyên truyền cho người thân, bạn bè, toàn xã hội cùng chung tay góp lửa bảo vệ biển đảo quê hương. Trong hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” năm 2011, một sinh viên đã mang theo nắm đất từ đất liền ra Trường Sa với ý nghĩa để đảo bớt phần nhỏ bé trước biển cả. Câu chuyện ấy đã để lại trong tôi rất nhiều xúc động và khiến cho tình yêu biển đảo cùng những con người nơi đây cũng ngày một lớn dần theo thời gian. Tôi và biết bao sinh viên Việt Nam khác nguyện sẽ mãi hướng về biển đảo quê hương, chủ quyền của dân tộc và viết tiếp những câu chuyện như bạn sinh viên kia.

Thay lời kết, tôi xin chân thành cảm ơn Trung ương Hội sinh viên Việt Nam, Ban tổ chức chương trình “Sinh viên với biển đảo Tổ quốc” năm 2016 đã tạo điều kiện cho những sinh viên như tôi tham gia vào hoạt động ý nghĩa này giúp chúng tôi có cơ hội được bồi dưỡng mình, thấu hiểu được cuộc sống của những con người sống trên đảo và thêm yêu biển đảo, máu mủ thiên liêng của Tổ quốc.

thanh nien xem ban do

Trúc Ngọc *

 

* UV BTK Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam,  Phó chủ tịch Hội Sinh Viên trường Đại học Trà Vinh

Bài trướcCác hoạt động học thuật chào mừng 10 năm Đại học Trà Vinh, 15 năm mô hình Cao đẳng Cộng đồng
Bài tiếp theoCuộc thi vẽ tranh vì môi trường

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây