Nhan đề: Lịch sử và văn hóa Việt Nam tiếp cận bộ phận.

Tác giả: Phan Huy Lê.

Nhà xuất bản: Thế giới.

 

NỘI DUNG

Quyển sách với nội dung phong phú, đề cập đến nhiều chủ đề “tiếp cận” giữa khoa sử với các khoa học xã hội khác như ngôn ngữ, nhân số, xã hội, dân tộc, kinh tế và đặc biệt cách sử học tiếp cận những khám phá trong suốt hơn một thế kỷ (XX) khai quật khảo cổ trên lãnh thổ Việt Nam và Đông Dương.

Vì thế tác giả, một trong những sử gia Việt Nam có uy tín trong giới nghiên cứu quốc tế, không theo logic lịch đại mà lại phối hợp phân kỳ lịch sử với hình thái kinh tế xã hội nhận định trên một địa bàn lớn (Đông Á và Đông Nam Á), lồng lịch sử dân tộc trong bối cảnh văn sử địa vùng Nam Á.

Đây có lẽ là lần đầu một sử gia chuyên nghiệp kết hợp kỹ thuật kể truyện với sự giải thích sự kiện lịch sử. Bàn về “Cội nguồn” người dân Việt, ông không ngại sử dụng khái niệm ngữ hệ “Việt Mường” hay “Nam Á” trên địa bàn các tộc người sinh sống vùng Đông Nam Á và Đông Nam Á. Càng thích thú hơn khi ông khẳng định tính chất “toàn bộ” của lịch sử Việt Nam và phát biểu rõ ràng quan điểm theo đó lịch sử Việt Nam ngày nay “cần phản ánh tính đa tộc người của cộng đồng cư dân Việt Nam qua tiến trình lịch sử và sự thống nhất trong tính đa dạng của văn hóa Việt Nam về mặt cấu trúc văn hóa tộc người cũng như các vùng địa văn hóa” và gián tiếp phê phán xu hướng chỉ viết lịch sử người Kinh của giới sử gia Việt Nam. Những khái niệm như “Tính đa tộc” (polyethnique), “Đa dạng”, “Vùng địa văn hóa” … là những từ mới lạ đã ít nhiều được nhà dân tộc học nổi tiếng G. Condominas phổ biến trong những công trình nghiên cứu của ông về Đông Nam Á, ít gặp trong sử học kể cả trong sử hiện đại. Cuối cùng, tác giả đề cập nhiều vấn đề còn bất ổn hay hiện chỉ mang tính chất “quy ước”, hình thức như cách phân kỳ lịch sử Việt Nam từ thời cổ đại đến hiện đại.

Rút kết luận kinh nghiệm những cuộc tranh luận lý thuyết chung quanh khái niệm “Phương thức sản xuất Á châu” của Mác vào những năm 70, GS Phan Huy Lê phân tích những ngộ nhận bắt nguồn từ xu hướng giáo điều trong việc “Vận dụng” máy móc Chủ nghĩa Mác xít qua các thành ngữ phổ biến như “Cộng sản nguyên thủy” , “Chế độ chiếm hữu nô lệ”, “chế độ phong kiến” còn nhan nhản trong các bộ sách sử nước ta. Qua những báo cáo đọc và viết trong các cuộc hội thảo khoa học trong nước và ngoài nước, ông cũng nhấn mạnh vài khuyết điểm cố cựu của sử gia Việt Nam như xu hướng “Lý tưởng hóa” lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm và xem nó như một thiên anh hùng ca, không phản ánh trung thực và đầy đủ những khó khăn, thất bại của phía ta, cái khôn khéo của đối phương, không đánh giá đúng mức cái hay cái dở của mình, “Thần thánh hóa” (hay bội nhọ) thái quá các triều đại hay nhân vật thời Hồ, Mạc, Tây Sơn, đánh giá sai lạc ý nghĩa lịch sử thời Lê mạt (vua Lê chúa Trịnh) hay xem nhẹ vai trò nhà Nguyễn trong cuộc Nam tiến, thống nhất đất nước đầu thế kỷ XIX mà chỉ nhấn mạnh hình ảnh thất bại sụp đổ Đế quốc Pháp.

Tác giả còn dành cho phần nghiên cứu địa phương một vị trí xứng đáng với truyền thống “Địa phương chí” của Việt Nam, nhất là trong phần nghiên cứu về quan hệ giữa nông thôn và thành thị, viết lại lịch sử thủ đô Hà Nội và vòng thành qua các thời đại, lịch sử phố cổ Hội An, lịch sử quân sự chính trị Hà Tĩnh (chương 4), các trận đánh Bạch Đằng, Đống Đa hay Điện Biên Phủ (1954). Tác giả “Hiện đại hóa” chân dung các nhân vật lịch sử như Lý Thái Tổ, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi… trước khi, để kết thúc, kiểm điểm thực trạng nền Việt Nam học ngày nay.

Nội dung của quyển sách có rất nhiều vấn đề, chúng tôi lựa chọn đề cập hai chủ đề cập hai chủ đề trước hết về quan hệ giữa khảo cổ học (hay đúng hơn văn minh sử) và cái mà tác giả gọi là “Lịch sử toàn diện”, sự tiếp thu di sản các nền văn hóa Đông Sơn (Thanh Hóa), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) và Óc Eo (Long An, Đồng Tháp Mười) trong sự tìm hiểu quá trình hình thành của đất nước cùng một vài khía cạnh về lịch sử các thành phố lớn qua những công trình nghiên cứu thực địa gần đây.

Thư viện xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả!

Bài trướcLịch sử nhân loại
Bài tiếp theoXuân Quỳnh sóng mãi mãi còn nổi sóng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây