Nhóm 18‎ sinh viên ‎trường Đại học Vancouver Island (VIU) – Canada và ĐH Trà Vinh (TVU) cùng trải nghiệm về văn hoá,‎ học thuật‎ trong khuôn khổ c‎hương trình giao lưu văn hóa – giáo dục (Field school) giữa sinh viên ĐH Trà Vinh và ĐH VANCOUVER ISLAND‎ được tổ chức từ 13/5/2019 đến 02/6/2019.‎



Sau tuần ‎đầu tiên các sinh viên hai trường cùng  ăn, cùng ở và trao đổi, học hỏi lẫn nhau trong sinh hoạt, học tập cũng như trải nghiệm về ngôn ngữ , văn hóa ‎và các hoạt động dã ngoại, tham quan… Các bạn sinh viên ĐẠI HỌC TRÀ VINH‎ VÀ ĐẠI HỌC VANCOUVER ISLAND tiếp tục trải nghiệm thiết kế đồ chơi từ vật liệu tái chế cho các em học sinh mầm non, tiểu học và ‎sửa chữa, tư vấn điện cho các hộ dân.‎‎

Tuần thứ hai của chương trình cũng là thời gian các bạn cùng làm việc nhóm để thực hiện một số dự án vừa mang tính kỹ thuật vừa đóng góp cho cộng đồng. 

Dự án “Play Ground” thiết kế đồ chơi từ vật liệu tái chế cho trường mầm non/tiểu học. Dự án được đầu tư thiết kế tỉ mỉ và đầy đủ cả qui trình thiết kế kỹ thuật, an toàn từ khâu khảo sát nhu cầu khách hàng; lập dự toán; thiết kế kỹ thuật dựa trên các yếu tố tính ứng dụng, sự an toàn, sự sáng tạo và tính thẩm mỹ; thực hiện và lắp đặt, vận hành. 

 

Các sinh viên đã đến trường Thực hành Sư phạm Trà Vinh khảo sát địa điểm và phỏng vấn tìm hiểu nhu cầu từ các nhóm đối tượng sử dụng từ Ban Giám hiệu nhà trường, giáo viên mầm non, tiểu học và đặc biệt, trao đổi cùng các em học sinh mầm non, tiểu học. Trong dịp này, các bạn sinh viên VIU và TVU được cùng giao lưu, trao đổi với các em học sinh mầm non, tiểu học với nhiều món quà lưu niệm như: viết chì, những quyển sổ tay nhỏ… mang biểu tượng chuột túi và lá phong, đặc trưng của Canada. 

 

 

Các bạn sinh viên thiết kế, lắp đặt, vận hành nhiều sản phẩm trò chơi cho học sinh mầm non, tiểu học đa dạng, thú vị. Ngay khi các đồ chơi vừa lắp đặt xong các học sinh vào chơi thử một cách thích thú và hào hứng. Phần cuối dự án, các nhóm sinh viên báo cáo thuyết trình về sản phẩm của từng nhóm bằng tiếng Anh với sự tham gia chấm điểm từ các giảng viên hướng dẫn lẫn người sử dụng là giáo viên và học sinh của đơn vị sử dụng sản phẩm. Dự án được giáo viên đơn vị sử dụng đánh giá về tính ứng dụng và hiệu quả rất lớn vì dự án mang đến cho cộng đồng những sản phẩm từ vật liệu tái chế, góp phần giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh và phụ huynh.

Theo Cô Phạm Thị Trúc Mai, Phó Hiệu trưởng trường Thực hành Sư phạm Trà Vinh, nói: “Tôi thật sự bất ngờ với một dự án mang nhiều ý nghĩa đến thế. Các em thiếu nhi nhận được các trò chơi mới và được giao lưu cùng anh chị sinh viên trong, ngoài nước. Sản phẩm được lắp đặt đảm bảo tính an toàn, đặc biệt là sự sáng tạo từ các vật dụng tái chế… Chúng như mang làn gió mới cho sân chơi trong trường thêm đa dạng, lại vừa gián tiếp dạy cho các em ý thức bảo vệ môi trường.”


Dịp này, các bạn sinh viên còn tham gia dạy tiếng Anh, khơi dậy niềm đam mê học ngoại ngữ cho các em học sinh trường Tiểu học An Phú Tân B, xã Tân Quy, huyện Cầu Kè, Trà Vinh. Các em được dạy cách gọi tên các loại trái cây xung quanh quê nhà, các con vật, các đồ dùng… và chơi trò chơi cũng như hát múa những bài hát tiếng Anh, tiếng Việt vui nhộn. Sự tươi trẻ của các bạn sinh viên đã giúp không khí buổi học trở nên vui vẻ và thân thiện, từ đó các em học sinh được gieo vào lòng một niềm say mê đặc biệt về học tập ngoại ngữ.

Tuần cuối chương trình với dự án mang tính kỹ thuật chuyên môn nhất, đó là thiết kế, sửa chữa, thay thế thiết bị điện miễn phí cho 10 hộ dân xã Đại Phúc, Càng Long. Dự án được tổ chức thực hiện đầy đủ quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn để lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng tại các hộ dân như: đèn Led, ổ điện chống giật, công tắc tự động,…với sự hỗ trợ của sinh viên năm cuối ngành điện thuộc khoa Kỹ thuật và Công nghệ. Mỗi nhóm sinh viên được giao trách nhiệm khảo sát thực trạng thiết kế của ngôi nhà và cách sử dụng điện. Dựa trên khảo sát, các nhóm sẽ thiết kế bảng vẽ bố trí đường đây, thiết bị điện cho từng hộ kèm bảng kê vật tư, thiết bị cụ thể. Sau đó là mua sắm vật tư và kế hoạch phân công lắp đặt theo tiến độ mỗi nhóm hoàn thành 3-4 hộ trong một ngày làm việc. 

 

Trong quá trình sửa chữa, thay thế thiết bị điện tại các hộ dân, các sinh viên đã ghi nhận được hoàn cảnh hộ ông Phạm Thanh Hải có con gái bị ung thư máu, và gia đình có cảnh khó khăn, nên các sinh viên hai bên đã gom góp số tiền 2.500.000 đồng để hỗ trợ gia đình. 

 

Tại buổi tổng kết chương trình giao lưu văn hóa – giáo dục (Field school) giữa sinh viên ĐH Trà Vinh và ĐH VANCOUVER ISLAND‎, các nhóm sinh viên thực hiện báo cáo, chia sẻ bằng tiếng Anh tất cả những điều đã trải nghiệm trong 3 tuần cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với nhau. Tại buổi báo cáo, PGS. TS Phạm Tiết Khanh, hiệu trưởng trường Đại học Trà Vinh, nói: “Thông qua chương trình, bên cạnh sinh viên hai bên được trau dồi kiến thức, kỹ năng và ý thức chuyên ngành kỹ thuật, ngoài ra còn nâng cao kỹ năng ngôn ngữ một cách rõ rệt, sinh viên Việt Nam thì nâng cao trình độ tiếng Anh, còn sinh viên VIU thì nâng cao trình độ tiếng Việt cũng như am hiểu về văn hóa và con người Việt Nam hơn. Đây chính là mục tiêu to lớn nhất mà cả hai trường đã đặt ra lúc ban đầu.” 

 

 

Chương trình giao lưu văn hóa, học thuật khép lại với đêm văn nghệ do chính sinh viên hai bên kết hợp dàn dựng. 

Bạn Morris Michael Paul, sinh viên năm nhất VIU, phát biểu: “Cách đây một năm, tôi và Nik khi nhận được thông tin về chuyến giao lưu văn hóa, chúng tôi đã rất hào hứng cùng nhau tưởng tượng ra những hoạt động và quan cảnh đất nước Việt Nam. Chúng tôi quyết định tham gia và chờ đợi từng ngày. Hôm nay, thật nhanh, tôi đã phải nói lời chia tay. Thật sự, mọi thứ diễn ra tuyệt vời hơn cả tưởng tượng của chúng tôi. Chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn đến tất cả những người tổ chức. Tất nhiên, tôi cảm ơn những người bạn TVU vô cùng, thời gian qua các bạn đã đóng rất nhiều vai trò, khi là cộng sự, lúc là hướng dẫn viên, buổi sáng thì là chiếc đồng hồ báo thức, và khi ra chợ thì lại là những phiên dịch vui tính. Chúng tôi thật sự cảm ơn chương trình, cảm ơn tất cả mọi người. Hẹn gặp lại tất cả. Chắc chắn, tôi sẽ quay lại vào một ngày gần đây nhất.”

Bạn Nguyễn Thị Thùy Trang, sinh viên năm nhất TVU, nói thêm: “Ngoài những kiến thức, kỹ năng chuyên ngành được trau dồi một cách thực tế. Các em còn có thêm những tình cảm bè bạn thật tuyệt vời với các bạn sinh viên VIU. Sau chương trình, tuy không nói, nhưng mỗi sinh viên TVU chúng em đều ý thức được việc học tiếng Anh để tăng khả năng giao tiếp với bè bạn quốc tế. Em rất mong gặp lại những người bạn VIU đáng mến.” 

Chương trình khép lại sau ba tuần hoạt động sôi nổi, các bạn sinh viên đã phải chia tay nhau với những giọt nước mắt dấu sau những cái bắt tay thật chặt, những cái níu tay vội để kịp trao nhau món quà mang hình quốc kỳ Việt Nam và Canada. Tình bạn của các bạn là minh chứng rõ ràng cho một chương trình giao lưu văn hóa, giáo dục thành công trên mong đợi.


Dương Ngọc Vân Khanh‎

Bài trướcSôi động cùng “Bước nhảy sinh viên TVU”
Bài tiếp theoGiáo dục đạo đức, lối sống: Không thể giải quyết được nếu “đóng khung” trong trường học

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây