(GSV.TVU) – Vấn đề đi làm thêm ngoài giờ học của sinh viên đã không còn là vấn đề xa lạ trong những năm qua, việc làm thêm giúp ích cho sinh viên không ít thuận lợi về tài chính để có thể trang trải chi phí học tập, sinh hoạt hàng ngày, hàng tháng và nhiều kỹ năng khác được tích lũy để có bề dày kinh nghiệm nhất định cho công việc tương lai. Bên cạnh những mặt tích cực thì việc đi làm thêm cũng mang lại những tiêu cực mà các bạn nên biết.

sinh vien di lam them

Không phủ nhận rằng việc đi làm thêm đã tạo nhiều thuận lợi cho các bạn sinh viên trong vấn đề tài chính, có rất nhiều bạn gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên rất cần đi làm thêm để kiếm thêm tiền trả học phí, tiền thuê phòng trọ, ăn uống, sinh hoạt,… Việc làm thêm giúp bạn mở rộng các mối quan hệ, gặp gỡ với nhiều người giúp bạn rèn luyện kỹ năng giao tiếp, nhạy bén, khôn khéo trong cách ứng xử. Giúp sinh viên rút ngắn khoảng cách của lý thuyết và thực hành, bạn có thể vận dụng những gì học được ở trên lớp, trong bài giảng vào thực tiễn nếu sinh viên làm thêm trong các lĩnh vực mà mình đang theo học. Những va đập bên ngoài xã hội sẽ giúp bạn trưởng thành hơn, có tính tự lập cao hơn và biết quý trọng đồng tiền mà chính tay bạn làm ra. Đó là tiền đề tốt cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường, bước chân vào môi trường làm việc chuyên nghiệp sẽ không bị bỡ ngỡ và cảm thấy tự tin hơn với kiến thức chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm tìm được của chính mình.

Nhưng cũng không thể bỏ qua những mặt hạn chế, tiêu cực từ việc đi làm thêm trong sinh viên, đã mang lại không ít những khó khăn cho sinh viên. Như chúng ta đã biết chuyện làm thêm cũng là một trong số những yếu tố tác động không nhỏ đến việc học tập của sinh viên. Có rất nhiều bạn sinh viên vì quá mải mê sa chân vào kiếm tiền mà quên đi mất nhiệm vụ chính của mình là học tập. “Việc bạn đi làm thêm để kiếm thêm tiền chỉ là một hình thức bạn lừa dối bản thân. Liệu có bao giờ bạn tự hỏi, mình đã dành dụm được bao nhiêu sau khi đi làm thêm, hay là khi có tiền lại mua thêm được nhiều quần áo, đi ăn uống, chơi bời nhiều hơn (TS. Lê Thẩm Dương).”  Dễ bị những cám dỗ bên ngoài xã hội mà đôi khi các bạn không thể vượt qua, những công việc làm thêm thường mất khá nhiều thời gian, sức khỏe ảnh hưởng đến kết quả học tập, chúng ta nhìn kỹ vào vấn đề hơn rằng:  Những công việc trong quá trình các bạn đi làm thêm thường trái với những ngành mà các bạn học trên lớp nên chưa vận dụng hoặc là không vận dụng được hết các kiến thức đã học vào thực tế.

Liệu các bạn sẽ học được gì cho chuyên ngành của mình khi một bạn sinh viên quản trị văn phòng; maketting; kế toán… với việc làm thêm là phục vụ quán cà phê, rửa bát cho một quán ăn, nhà hàng,… “Đi làm thêm, liệu bạn còn đủ sức khoẻ và dũng khí đối diện với các bài học sau những ngày dài lao động mệt mỏi? Điều này không phải ai cũng làm được nếu không có ý chí. Một vết trượt dài sẽ hằn lên cuộc đời bạn, thi lại vô số môn, sa chân vào các tệ nạn xã hội… Điều mà bố mẹ và xã hội không hề mong muốn (TS. Lê Thẩm Dương).”

 

Để hạn chế, tránh những sai lầm của việc đi làm thêm ngoài giờ học thì các bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng và xác định rõ ràng trước khi quyết định đi làm thêm:

Thứ nhất, phải xác định được nhiệm vụ chính của mình là học tập tốt, hoàn thành các khóa học một cách tốt nhất có thể và nỗ lực hết mình học tập, bởi suy cho cùng bạn có làm thêm bao nhiêu giờ, bao nhiêu công việc cũng vì mục đích phục vụ cho việc học tập, có tài chính bạn để an tâm hơn, học tốt hơn. Xác định đúng mục tiêu bạn sẽ có sự tập trung và lĩnh hội hoàn toàn khác.

Thứ hai, sức khỏe và thời gian là quan trọng, phải biết cân đối hai vấn đề này để việc học tập được suông sẻ, lâu dài. Hợp lý cho thời gian giữa học và đi làm, tránh thi lại nhiều môn, sa sút việc học và tệ hơn là nghỉ học. Hình ảnh các bạn sinh viên ngủ gục trong lớp đã không quá xa lạ khi được ai đó kể về người bạn sinh viên học chung với mình, trong số đó không ít những bạn ngủ gục là do không biết cân đối thời gian và sức khỏe cho việc đi làm thêm.

Thứ ba, đi làm thêm là để tích lũy kinh nghiệm chứ không phải để mưu sinh, không phải đi học để đi làm.

Thứ tư, nên chọn việc làm thêm gần với ngành nghề mà bạn đang theo học. Việc này sẽ bổ sung thêm những kiến thức và kỹ năng, hiểu sâu hơn cho công việc tương lai của bạn.

Thứ năm, biết lắng nghe và học hỏi kinh nghiệm từ những bậc tiền bối, có câu “Không thầy đố mày làm nên”, chẳng có ai thành công  mà không nhờ sự chỉ bảo, dẫn dắt của người đi trước, bạn chăm chỉ, thông minh và khôn khéo thôi vẫn chưa đủ nếu không có sự hỗ trợ đắt lực và biến những điều bạn từng làm thành kinh nghiệm.

Để có được một công việc ổn định và thực hiện được ước mơ của mình các bạn sinh viên phải tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng thật tốt cho bản thân ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đi làm chỉ  là một trong những chìa khoá giúp bạn mở ra cánh cửa bài học ấy, vì thế các bạn phải luôn nhớ rằng nhiệm vụ chính của mình phải là học tập thật tốt mới có được đầy đủ giấc mơ trong tay, một việc làm ổn định, kiến thức, kinh nghiệm hoàn thiện và có khả năng về tài chính.

Nguyễn Thị Hồng Nhung

Bài trướcSự Tử Tế Trong Đời Sống
Bài tiếp theoThầy giáo Nguyễn Hữu Trà và lớp học Hướng thiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây