SV Trường ĐH Trà Vinh bên sản phẩm “Chế phẩm sinh học chứa nano kẽm”.SV Trường ĐH Trà Vinh bên sản phẩm “Chế phẩm sinh học chứa nano kẽm”.

GD&TĐ – Mong muốn ý tưởng nghiên cứu và khởi nghiệp của mình đi vào đời sống, nhiều sinh viên Trường ĐH Trà Vinh cùng người dân tạo ra những sản phẩm có giá trị thực tiễn cao.
Bám thực tiễn để khởi nghiệp

“Chế phẩm sinh học chứa nano kẽm” là dự án của nhóm tác giả Phạm An Dương Khang, SV ngành ĐH Kỹ thuật Hóa học khóa 2015, Nguyễn Văn Phương (cựu SV ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học) và Lương Mạnh Dương (cựu SV ngành Quản trị Kinh doanh).

Với dự án này, nhóm tác giả mong muốn sản xuất và cung cấp chế phẩm sinh học chứa nano kẽm phòng trừ các loại nấm bệnh và vi khuẩn trên cây ăn quả. Sản phẩm mang tên NOZ được đóng chai với dung tích 500ml.

Tác giả Phạm An Dương Khang, chủ nhiệm đề tài cho biết: Miền Tây Nam bộ là vùng trồng cây ăn trái lớn, người dân thường xuyên sử dụng chế phẩm để phòng trừ nấm bệnh và vi khuẩn nhưng cũng phải thân thiện với môi trường, giá cả phải chăng, không tác động xấu đến sức khỏe người sử dụng… “Để sản phẩm phát huy hiệu quả cao nhất, trong quá trình thực hiện và thử nghiệm, nhóm hỗ trợ tư vấn cho người dân cách sử dụng”, Khang chia sẻ.

Đánh giá ban đầu của người dân sau khi sử dụng chế phẩm sinh học chứa nano kẽm cho thấy, sản phẩm có thể phòng trừ nấm bệnh, vi khuẩn trên cây trồng một cách hiệu quả thông qua hoạt tính chống oxy hóa của lá cây và tính chất đặc hiệu (vật liệu nano), không độc hại cho người sử dụng, thân thiện môi trường.

Cũng khởi nghiệp từ nhu cầu thực tiễn, nhóm tác giả sinh viên Trường ĐH Trà Vinh tạo ra sản phẩm “Điều khiển và giám sát tự động quạt nước hồ tôm công nghiệp”.

Sản phẩm này ra đời từ thực trạng bật tắt quạt nước tạo oxy cho tôm chủ yếu là bằng tay và quy trình lắp đặt chưa đúng kỹ thuật gây ra tai nạn điện thương tâm. Sản phẩm được kỳ vọng tạo sự an toàn cho người sử dụng ngay trong điều kiện thời tiết mưa gió, nắng nóng hoặc đêm tối. Đồng thời tiết kiệm công lao động, chi phí thuê nhân công và có thể áp dụng mở rộng hệ thống với các yêu cầu tự động hóa ở các lĩnh vực khác.

Chia sẻ tính hiệu quả của dự án, Trần Phước Đạt, SV ngành ĐH Điều khiển và Tự động hóa khóa 2015, chủ nhiệm đề tài cho biết: “Nguồn nguyên liệu sử dụng trong các dự án giá rẻ, dồi dào, sẵn có ở các địa phương. Hơn nữa, dự án nhận được sự hỗ trợ của anh chị đi trước về kỹ thuật nên tiệm cận với công nghệ mới, đáp ứng quy định kiểm định chất lượng”.


Sản phẩm Trà thảo mộc đóng chai Lam Yến ORGANIC của SV Trường ĐH Trà Vinh đang có hướng phát triển tốt.

Đa dạng sản phẩm

Sản phẩm Trà thảo mộc đóng chai Lam Yến ORGANIC, của Nguyễn Hiển Đạt, cựu SV ngành công nghệ thông tin (Trường ĐH Trà Vinh) là loại trà thảo mộc đóng chai kết hợp từ hoa Lam Hồ Điệp (hoa đậu biếc) cùng một số thảo mộc tự nhiên và tổ yến. Sản phẩm đã vào vòng chung kết cuộc thi về khởi nghiệp do Trường ĐH Trà Vinh tổ chức, vào vòng chung kết do Dự án SME Trà Vinh tổ chức, và đạt giải nhì cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp Tỉnh đoàn Trà Vinh tổ chức.

Sản phẩm rượu dừa Ngọc tửu cùng với các sản phẩm từ dầu dừa của Lương Mạnh Dương, cựu SV ngành Quản trị kinh doanh đã vào vòng chung kết cuộc thi về khởi nghiệp do Trường Đại học Trà Vinh tổ chức, đã vào vòng chung kết Dự án SME Trà Vinh tổ chức, đạt giải nhất cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp Tỉnh đoàn Trà Vinh tổ chức, và vào vòng bán kết do Trung ương Đoàn tổ chức.

Sản phẩm Trà lá trứng cá, của Nguyễn Hồ Anh Trải, SV ngành ĐH Công nghệ Kỹ thuật Hoá học khóa 2015 nghiên cứu cho ra đời một loại sản phẩm trà chất lượng, tốt cho sức khỏe.

Trường luôn là điểm tựa để sinh viên khởi nghiệp

Quỹ thanh niên nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp Trường ĐH Trà Vinh hỗ trợ 20 triệu đồng dành cho mỗi đề tài nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp khả thi của sinh viên. Giúp sinh viên chủ động hơn để phát triển ý tưởng sáng tạo, mạnh dạn nghiên cứu khoa học, ứng dụng và tiếp cận nhiều hình thức kinh doanh thử nghiệm ngay từ ghế nhà trường.

Có nhiều mô hình bước đầu đi vào hoạt động hiệu quả như: Hợp tác xã SV khởi nghiệp; Gian hàng thanh niên Khởi nghiệp chuyên bán thiết bị, văn phòng phẩm và sản phẩm công nghệ từ Trường ĐH Trà Vinh; Dịch vụ cà phê sinh viên, quán ăn gia đình; SV với dịch vụ vẽ tranh, thiết kế tranh gạo và tạo mẫu; Gian hàng rau và sản phẩm nông nghiệp an toàn, dịch vụ giữ xe SV.

Sản phẩm “Điều khiển và giám sát tự động quạt nước hồ tôm công nghiệp” của SV Trường ĐH Trà Vinh giúp người nuôi tôm tránh trường hợp bị điện giật.

Ngoài ra, nhiều sinh viên đã cùng các giảng viên của mình thực hiện gần 100 đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tiễn tiêu biểu cấp trường, cấp tỉnh, khu vực, cấp bộ và cấp nhà nước như: Mô hình sản xuất lúa chuẩn VietGap, mô hình sản xuất rau an toàn, mô hình sinh viên trồng dưa tự quản, mô hình trồng nấm bào ngư, mô hình nuôi cua biển tại Duyên Hải, nuôi cấy phôi dừa sáp, nuôi giống tôm sú bố mẹ sạch bệnh, lúa VietGap, sản xuất giống lúa chịu hạn mặn cao; Thiết kế, chế tạo thiết bị xác định tỉ lệ sáp trong trái dừa; Thiết kế, chế tạo Robot, chế tạo máy in 3D, mô hình nhà thông minh…

“Trường luôn là điểm tựa để sinh viên phát huy khả năng nghiên cứu và sáng tạo. Từ những ý tưởng dường như nhỏ nhất, giản dị nhất nhưng qua sự sáng tạo của sinh viên đã trở thành ý tưởng, sản phẩm có giá trị thực tiễn cao. Đó là bước thành công ban đầu trong nghiên cứu ứng dụng để hướng các em đến một hành trình khởi nghiệp trong tương lai”, PGS.TS Phạm Tiết Khánh – Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh chia sẻ.

ĐK – Quốc Ngữ

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/tre/sinh-vien-truong-dh-tra-vinh-khoi-nghiep-voi-nhung-san-pham-gia-tri-thuc-tien-cao-4042557-v.html

Bài trướcTrà lá Trứng cá, sản phẩm khởi nghiệp thực tiễn của cậu sinh viên ĐH Trà Vinh
Bài tiếp theoTrường ĐH Trà Vinh: Thêm 2 chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng quốc tế

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây