(GSV-GV.TVU) – Ngày 12/11, vòng Chung kết Cuộc thi “Ý tưởng học sinh, sinh viên khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long” lần thứ nhất năm 2022 diễn ra sôi nổi tại Trường Đại học Trà Vinh. Trong đó có nhiều ý tưởng, dự án của sinh viên Nhà trường mang tính thực tiễn cao, được nảy sinh từ những yêu cầu cấp thiết trong cuộc sống.

Khởi nghiệp từ càng tôm

Tận dụng tối đa nguyên liệu có sẵn, dự án “Nước mắm càng tôm” của bạn Nguyễn Khánh Bảo Thúy Vy, sinh viên lớp Đại học Sư phạm Ngữ văn khóa 2020 mong muốn tiếp cận các kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào trong quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đưa vào thị trường nhằm mang lại cho người tiêu dùng sản phẩm từ tự nhiên hoàn toàn không hoá chất độc hại.

Thúy Vy cho biết: Sản phẩm “Nước mắm càng tôm” là sản phẩm mới chưa đưa vào dây chuyền sản xuất hoàn toàn mới lạ, nguồn nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên, giá thành rẻ nên khả năng cạnh tranh với những sản phẩm nước mắm hiện có trên thị trường là hoàn toàn có khả năng.

Sản phẩm có thể được áp dụng công nghệ mới vào quy trình sản xuất như máy pha trộn nguyên liệu, máy đóng nắp chai, máy dán nhãn mác, máy làm nguội,… Dây chuyền sản xuất hiện đại, áp dụng được thành tựu kĩ thuật vào trong sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm cũng như đẩy nhanh quá trình sản xuất.

Sản phẩm “Nước mắm càng tôm” có nhiều ưu điểm vượt trội hơn, tận dụng tất cả những giá trị của tôm càng, không lãng phí nguyên liệu. Trong càng tôm có phần thịt tôm, chứa nhiều giá trị dinh dưỡng, nhưng ít được người dân địa phương sử dụng. Sản phẩm có nhiều lợi thế cạch tranh cao vì sử dụng quy trình đột phá, an toàn, nguồn nguyên liệu phong phú và sản phẩm có giá thành rẽ.

Chia sẻ về quy trình sản xuất “Nước mắm càng tôm”, nhóm tác giả cho hay:  Việc lựa chọn nguyên liệu rất quan trọng, càng tôm được chọn chỉ cần đảm bảo không hư thối. Càng tôm sau khi mang về được đem đi rửa nhiều lần với nước sạch để lấy đi bùn đất và rong bám ở càng.

Càng tôm được làm sạch thì đập dặp trộn với muối và đem nấu lên với nước lọc (thêm nước dừa và khóm cho vừa ăn) cho đến khi thu được chất lỏng màu nâu cánh gián thì đem đi lược sạch phần vỏ tôm thu được nước mắm cuối cùng.

Nước mắm càng tôm sau khi đã thành phẩm sẽ được chiết vào các chai với dung tích 1 lít, sử dụng máy đóng nắp chai và máy đóng nhãn mác để hoàn thiện sản phẩm.

Mang tính ứng dụng cao

Đây là dự án đạt giải Nhì cuộc thi “Ý tưởng học sinh, sinh viên khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long” lần thứ nhất 2022. Dự án “Thiết bị quan trắc mực nước ruộng và điều khiển máy bơm từ xa” của nhóm sinh viên Nguyễn Trần Thành Đạt được Ban giám khảo đánh giá cao bởi những sáng tạo bất ngờ của các “nhà khoa học” sinh viên.

Nguyễn Trần Thành Đạt, thành viên nhóm dự án cho biết: Thiết bị giúp nông dân theo dõi được mực nước trên đồng ruộng trong suốt quá trình canh tác thông báo khi mực nước vượt quá ngưỡng cho phép, lưu lại các thông tin cần thiết trong quá trình canh tác để phục vụ quá trình thống kê nông nghiệp.

Đồng thời có thể điều khiển được máy bơm từ xa thông điện thoại thông minh. Giảm thiểu những rủi ro tai nạn điện trong quá trình sử dụng, giám sát và điều khiển trong điều kiện thời tiết bất lợi.

Thiết bị bao gồm 2 phần chính: Thiết bị quan trắc mực nước ruộng có thể giám sát qua điện thoại và thiết bị điều khiển máy bơm từ xa thông qua app trên điện thoại.                           

Đẩy mạnh công tác hỗ trợ tư vấn tâm lý 

Mang về giải Khuyến khích chung cuộc, dự án “Trung tâm hỗ trợ tư vấn tâm lí” của nhóm sinh viên Nguyễn Nhứt Huy là dự án nhằm hỗ trợ sức khỏe tinh thần và các vấn đề tâm lý cho học sinh THPT và sinh viên tại Thành phố Trà Vinh.

Trung tâm sẽ cung cấp các quy trình tham vấn, tư vấn cá nhân, cặp đôi và tư vấn theo nhóm đồng đẳng với đội ngũ chuyên môn cao phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp, giúp cho nhiều học sinh, sinh viên có thể được nâng cao năng lực sức khỏe tinh thần của bản thân, định hướng nghề nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Giải pháp bảo vệ môi trường

Lần đầu tham gia một sân chơi khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên các Trường Đại học, Cao đẳng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, được đánh giá là dự án tiềm năng khởi nghiệp. Dự án “Vải sợi chuối” giúp giải quyết vấn đề về kinh tế và việc làm của người dân , giúp người dân xử lí được nguồn phụ phẩm từ thân chuối gây ô nhiễm môi trường.

Theo bạn Nguyễn Nhựt Minh, sinh viên lớp Đại học Ngôn ngữ Anh D khóa 2019: Nhận thấy, người nông dân trồng chuối thường chỉ lấy quả và bỏ đi thân cây, nhận thấy điều này nên chúng tôi tái sử dụng lại nguồn phụ phẩm nông nghiệp này để tạo ra thêm một loại vải mới trên thị trường trong nước và đưa nó tiếp cận với người tiêu dùng. Với một quy trình chặt chẽ từ khâu lựa chọn chuối đến tạo thành sợi rồi dệt nên từng khúc vải là cả một quá trình, mỗi một công đoạn đều có sự chuẩn bị tỉ mi, rõ ràng để đảm bảo chất lượng sản phẩm là tốt nhất.

Nhóm dự án cho biết: Quy trình sản xuất sản xuất sản phẩm trải qua 02 giai đoạn: sản xuất sợi tơ chuối và sản xuất vải tơ chuối. Để sản xuất sợi tơ chuối.

Cần chuẩn bị các thân chuối, cắt các phần bị hư hỏng ở trên và dưới bằng cưa, cắt chiều dài khoảng 120cm và bóc từng lớp bẹ chuối. Sau đó, đưa các bẹ chuối vào máy tuốt sợi, thu thập sợi và xếp đều vào các đầu mút, đem sợi rửa với nước và phơi khô trong một nắng. Đem sợi nấu với dung dịch kiềm (NaOH) trong khoảng 60 phút ở nhiệt độ 150 độ C. Làm khô sợi và lựa sợi chất lượng đưa vào máy se sợi, cuốn sợi thành cuộn.

Sau khi sản xuất sợi tơ chuối, sẽ tiến hành quy trình sản xuất vải tơ chuối bằng cách dệt vải theo phương pháp truyền thống bằng dùng khung dệt truyền thống. Tuy nhiên, bề mặt của vải sợi chuối tạo ra nhiều lông tơ và cảm thấy thô ráp và thiếu mềm mại. Do đó, cần một quá trình xử lý tẩy rửa bằng kiềm, xử lý khử enzyme xong sẽ đóng góp thành phẩm.

Hoàng Nam – Nhật Hào

QV-HH

Bài trướcHàng trăm sinh viên TVU tham gia hoạt động bảo vệ môi trường sau Lễ hội đua ghe ngo
Bài tiếp theoGặp gỡ gương thủ khoa vượt khó 2022

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây