(GSV-GV.TVU) – Máy tách vỏ tôm khô và đóng gói tự động là sáng chế mang tính ứng dụng công nghệ tự động hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao của nhóm sinh viên Trường Đại học Trà Vinh. Thiết bị chuyển giao đến cộng đồng và được người dân nhiệt tình đón nhận vì mang lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất.

Giảm nhân công, tiết kiệm chi phí

Tiêu chí đặt ra của nhóm nghiên cứu, máy phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo chất lượng tôm khô, bảo quản được lâu hơn từ 6 – 12 tháng, tiết kiệm thời gian, nhân lực góp phần nâng cao giá trị đặc sản tôm khô của tỉnh Trà Vinh.

Thiết bị được kết nối liền kề nhau, từ bể chứa tôm sang cơ cấu đánh vỏ tôm, đến cơ cấu sàng và cuối cùng là cơ cấu đóng gói tự động, người dùng có thể điều chỉnh được thời gian quá trình tách vỏ tôm, thời gian đánh vỏ tôm, thời gian sàng và số lượng đóng gói thông qua màn hình HMI. Ngoài ra, máy còn được thiết kế thêm bộ phận giữ lại vỏ tôm nát để tái chế bảo vệ môi trường, hướng đến quản lý máy, điều khiển và truy xuất dữ liệu từ xa.

Thiết bị khá nhỏ gọn, tiết kiệm nhiều thời gian và nhân lực đồng thời giảm số lần tiếp xúc giữa người và tôm khô, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe cho người lao động trong.

Sinh viên Nguyễn Minh Thành, Trưởng nhóm sáng chế cho biết: Khi cho vào máy 2kg tôm khô sẽ cho ra 1,2kg tôm đã sạch vỏ. Tổng tỉ lệ hao hụt là 40% (bao gồm 30% vỏ tôm và 10% tôm nát). So với phương pháp thủ công trong quá trình đập, sàng và gỡ vỏ làm nát nhiều tôm hơn khi đập 2kg tôm khô sẽ cho ra 0,8 – 0,9kg tôm đã sạch vỏ trong khoảng 2 giờ làm tôm, cho thấy trung bình 57.5% vỏ tôm và tôm nát có 27.5% là tôm bị nát.

Hạn chế ô nhiễm môi trường từ phế thải tôm

Máy tách vỏ tôm khô tự động hướng đến xử lý tôm khô tự động hợp vệ sinh. Máy có bộ phận phân loại vỏ tôm nát và tôm vụn, sử dụng cho tái chế làm nhựa sinh học như: ly, bát, đĩa,…thứ mà từ trước đến nay trong quá trình làm tôm khô người dân bỏ đi, không xử lý đúng qui trình gây ô nhiễm môi trường sống.

Đây là ý tưởng gắn liền với nhu cầu thực tế tại tỉnh Trà Vinh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Sáng chế xuất sắc giành giải Ba chung cuộc thi Mitsubishi Electric Cup MECA 2023 – một sân chơi uy tín hàng đầu dành cho sinh viên ngành tự động hóa do công ty Mitsubishi Electric Việt Nam (MEVN) tổ chức. Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện thiết bị và thương mại hóa sản phẩm ra thị trường.

Hoàng Nam

TS-VĐ

Bài trướcLàm việc với đoàn công tác Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Phước
Bài tiếp theoĐào tạo kiến thức cố vấn khởi nghiệp cho đội ngũ cố vấn của Vườn ươm: Từ doanh nhân đến Mentor chuyên nghiệp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây